Ngày 11 tháng 02 năm 2022, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (“Nghị quyết 43”). Mục tiêu của chính sách này nhằm phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp và giúp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả. Chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”) là một trong các chính sách tài khóa được quy định chi tiết tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 quy định chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết 43 (“Nghị định 15”).

Cụ thể, chính sách giảm thuế GTGT được thể hiện như sau:

1. Mức giảm thuế GTGT

Thay vì mức thuế suất thuế GTGT 10%, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng giảm còn 8% đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

2. Đối tượng hưởng mức giảm thuế GTGT

Giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

  • Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.
  • Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
  • Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.

Các nhóm hàng hóa, dịch vụ nêu trên là nhóm không được hưởng chính sách giảm thuế và được liệt kê chi tiết tại các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 15.

Như vậy, nhóm hàng hóa, dịch vụ là đối tượng hưởng mức giảm thuế GTGT là các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% và không thuộc các nhóm hàng hóa, dịch vụ không được hưởng chính sách giảm thuế nêu trên.

3. Thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT

Chính sách giảm thuế GTGT được áp dụng từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

4. Cách xác định mức thuế suất thuế GTGT được hưởng

 Để xác định mức thuế suất thuế GTGT được hưởng, cơ sở kinh doanh cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Xác định hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh cung cấp và là đối tượng chịu thuế GTGT;

Bước 2: Thực hiện đối chiếu với danh mục nhóm hàng hóa, dịch vụ không được hưởng chính sách giảm thuế quy định tại các Phụ lục đính kèm của Nghị định 15;

Bước 3: Xác định mức thuế suất thuế GTGT được hưởng đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp của cơ sở kinh doanh;

Nếu hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh cung cấp không thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại các Phụ lục đính kèm Nghị định 15, cơ sở kinh doanh được hưởng mức thuế suất thuế GTGT 8%. Ngược lại, nếu hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh cung cấp thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại các Phụ lục đính kèm Nghị định 15, cơ sở kinh doanh hưởng mức thuế suất thuế GTGT 10% như đang áp dụng.

Bước 4: Tham vấn ý kiến của cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh

Trường hợp sau khi thực hiện các bước kể trên mà cơ sở kinh doanh vẫn không xác định được mức thuế suất thuế GTGT được hưởng, cơ sở kinh doanh có thể gửi công văn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hỗ trợ và giải đáp, tránh trường hợp lúng túng, áp dụng sai hoặc tùy tiện mức thuế suất thuế GTGT.

Có thể thấy, chính sách giảm thuế là một trong các chính sách được ban hành trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng trên khắp cả nước, thể hiện sự hỗ trợ của Nhà nước đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã và đang hứng chịu sức ép khủng hoảng từ đại dịch. Theo đó, phương pháp loại trừ là phương pháp được áp dụng khi xác định các nhóm hàng hóa, dịch vụ là đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế. Các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp vui lòng lưu ý về các vấn đề trên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực thuế.

Trân trọng,

Có thể bạn chưa đọc Giới thiệu 03 hình thức đầu tư tại Việt Nam

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp và Thu Hồi Nợ để có thêm kiến thức pháp lý hữu ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com