Các hoạt động kinh doanh, cho vay hiện nay rất sôi nổi. Tuy nhiên, đi cùng với các hoạt động này là việc phát sinh các khoản nợ. Đôi khi, bên nợ chây ỳ, trốn tránh trả nợ khiến cho bên thu hồi nợ bức xúc. Không thu hồi được nợ, bên thu hồi nợ đã “xả giận” bằng các thực hiện các hành vi nói xấu, bôi nhọ bên nợ trên mạng xã hội và cho rằng việc này không vi phạm pháp luật.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam quy định về việc xử lý hành vi nói xấu, bôi nhọ, lăng mạ cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội như thế nào? Để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi xin đưa ra chia sẻ pháp lý để các cá nhân, doanh nghiệp có nợ cần thu hồi có biện pháp thu hồi nợ thích hợp.

1. Xử phạt vi phạm hành chính

  • Căn cứ vào Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử ngày 03 tháng 02 năm 2020 (“Nghị định 15”), cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Theo đó, các thông tin trên mạng xã hội có nội dung được coi là làm nhục, vu khống bao gồm: (i) xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; hoặc (ii) thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Như vậy, việc nói xấu, bôi nhọ bên nợ trên mạng xã hội có thể bị coi là xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15.

  • Căn cứ vào Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15, cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, hoặc buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm, hoặc buộc thu hồi tên miền do thực hiện hành vi vi phạm.

 

Như vậy, ngoài các trường hợp thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác có sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó hoặc theo các quy định của pháp luật, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của bên nợ với mục đích bôi nhọ, nói xấu, lăng mạ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15.

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Dựa vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức nói xấu, bôi nhọ, lăng mạ và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Tội vu khống tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:

  • Cá nhân, tổ chức có thể bị kết Tội làm nhục người khác nếu có hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác”.

Hành vi này không phân biệt không gian thực hiện là trên mạng xã hội hay trên thực tế, chỉ cần cá nhân, tổ chức có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác và bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

Pháp luật không định nghĩa chính xác thế nào là” xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác”. Tuy nhiên có thể hiểu hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác trên mạng xã hội là việc tổ chức, cá nhân đăng tải hình ảnh, bản ghi âm, bản ghi hình, bài viết, đường dẫn link, website có nội dung và từ ngữ, lời lẽ chửi rủa, lăng mạ tổ chức, cá nhân khác.

  • Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức có thể bị kết Tội vu khống nếu có hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, trong trường hợp này, nếu tổ chức, cá nhân lan truyền, bịa đặt những điều sai sự thật trên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác thì có thể cấu thành tội vu khống và bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

Trên đây là những hậu quả pháp lý mà các cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý khi nói xấu, bôi nhọ bên nợ trên mạng xã hội. Ngoài hành vi nói xấu, bôi nhọ, TNTP đã tổng hợp các hành vi trái pháp luật mà doanh nghiệp, cá nhân không được làm khi thu hồi nợ. Vui lòng tham khảo bài viết “06 việc không được làm khi yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ quá hạn”.

Chúng tôi mong rằng bài viết này có ích với bạn.

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp Và Thu Hồi Nợ để có thêm thông tin pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com