Trong các hoạt động kinh doanh và sinh hoạt thông thường, nhu cầu ký kết các hợp đồng và vay nợ diễn ra rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoàn thành yêu cầu thanh toán nợ đúng hạn khiến cho bên có quyền bức xúc và thực hiện các hành vi trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Như vậy, những việc nào thì bị coi là trái với quy định của pháp luật khi yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán nợ quá hạn?

1. Công bố hình ảnh, thông tin cá nhân của bên có nghĩa vụ mà không có sự cho phép của bên có nghĩa vụ

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp bên có quyền đã công bố hình ảnh, các thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, nơi làm việc trên các mạng xã hội, internet và thậm chí là ngoài đường phố, khu dân cư. Điều này không những vi phạm quy định của pháp luật mà còn làm giảm thiện chí và mong muốn thanh toán khoản nợ của bên có nghĩa vụ.

2. Bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm của bên có nghĩa vụ

Khi bên có quyền đã nhiều lần liên hệ nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thanh toán như đã thỏa thuận, bên có quyền thường xuyên vì sự tức giận và bức xúc mà có những hành vi, lời nói lăng mạ, chửi bới, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của bên có nghĩa vụ, thậm chí là đe dọa sử dụng bạo lực đối với bên có nghĩa vụ. Điều này là vi phạm quy định của pháp luật và không có hiệu quả trong việc thu hồi nợ.

3. Sử dụng vũ lực đối với bên có nghĩa vụ

Khi thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, bên có quyền cần lưu ý rằng không chỉ có hành vi bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm bị pháp luật cấm mà các hành vi sử dụng vũ lực đối với bên có nghĩa vụ cũng trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, bên có quyền không được đánh, trói, giam giữ bên có nghĩa vụ để yêu cầu thanh toán khoản nợ quá hạn.

4. Thực hiện các hành vi gọi điện, nhắn tin giục nợ đối với người thân, người quen của bên có nghĩa vụ

Theo quy định của pháp luật, bên có quyền được sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật cho phép để yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ quá hạn như gọi điện, nhắn tin, gửi công văn nhắc nhở, … Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bên có quyền đã lạm dụng việc này để giục nợ cả những người thân, người quen của bên có nghĩa vụ. Cần lưu ý rằng, bên có quyền chỉ được yêu cầu thanh toán khoản nợ đối với một bên thứ ba khi có thỏa thuận giữa ba bên về việc bên thứ ba thanh toán khoản nợ thay cho bên có nghĩa vụ nếu bên có nghĩa vụ không thanh toán được.

5. Ủy quyền cho bên thứ ba kinh doanh dịch vụ đòi nợ để yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ

Từ ngày 01/01/2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã chính thức bị cấm. Do đó, bên có quyền không được ủy quyền cho bên thứ ba kinh doanh dịch vụ đòi nợ để thực hiện các biện pháp thu hồi nợ đối với bên có nghĩa vụ.

6. Cưỡng chế lấy tiền, tài sản của bên có nghĩa vụ mà không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ

Theo quy định của pháp luật, chỉ cơ quan thi hành án có thẩm quyền cưỡng chế lấy tiền, tài sản của bên có nghĩa vụ để trả cho bên có quyền nếu bên có quyền được Tòa án xác định là người được thi hành án. Do đó, bên có quyền không được dùng các biện pháp cưỡng chế lấy tiền, tài sản của bên có nghĩa vụ để khấu trừ vào khoản nợ quá hạn mà không được sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

Trên đây là những việc mà bên có quyền không được làm trong quá trình yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ quá hạn. Trong trường hợp bên có quyền thực hiện một trong những hành vi trên, bên có quyền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào mức độ của hành vi vi phạm. Hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn quan tâm đến: Hoạt động dịch vụ đòi nợ bị cấm – Hướng đi nào cho các chủ nợ

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Tầng 4 số 200 phố Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com