Với xu hướng giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức Trọng tài ngày càng phát triển và phổ biến trên thế giới. Với ưu điểm về tính linh hoạt, tiết kiệm thời gian và độ bảo mật cao, Trọng tài thương mại đang là phương thức được các bên tranh chấp ưu tiên lựa chọn, một trong trong số đó là các pháp nhân Việt Nam khi phát sinh tranh chấp thương mại với các pháp nhân nước ngoài. Trong giai đoạn giải quyết tranh chấp, có giai đoạn Hội đồng Trọng tài ban hành Phán quyết của Trọng tài nước ngoài và tiếp đến, để Phán quyết này được thi hành ở Việt Nam (đối với người phải thi hành là pháp nhân Việt Nam) thì cần có quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết đó tại Việt Nam của Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam. Tại giai đoạn này, thường xảy ra việc quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết của Trọng tài nước bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Chủ đề này còn nhiều vấn đề mà các pháp nhân chưa hiểu rõ, vì vậy, trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ làm rõ việc kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
1. Kháng cáo, kháng nghị là gì?
Tuy tại các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam không có định nghĩa Kháng cáo và Kháng nghị cụ thể là gì, tuy nhiên dựa trên những quy định về quyền kháng cáo và thủ tục kháng cáo, kháng nghị trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, chúng ta có thể hiểu Kháng cáo, Kháng nghị như sau:
• Kháng cáo được hiểu là người có quyền kháng cáo thể hiện sự không đồng tình của mình về một phần hoặc toàn bộ các quyết định của Tòa án trong bản án hoặc quyết định sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án hoặc quyết định đó.
• Kháng cáo, pháp luật Việt Nam Kháng nghị là hành vi tố tụng của người có thẩm quyền, thể hiện việc phản đối toàn bộ hoặc một phần bản án, quyết định của Tòa án với mục đích bảo đảm cho việc xét xử được chính xác, công bằng, đồng thời sửa chữa những sai lầm trong bản án, quyết định của Tòa án.
Như vậy có thể thấy Kháng cáo, kháng nghị là quyền đề nghị Tòa án cấp trên trực tiếp xem lại bản án hay quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát theo quy định Bộ luật Tố tụng Dân sự.
2. Quy định về kháng cáo, kháng nghị quyết định của Tòa án về việc công nhận và cho thi hành Phán quyết Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
a) Về thời hạn:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định công nhận và chi thi hành hoặc không công nhận tại Việt Nam đối với Phán quyết của Trọng tài nước ngoài theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, đương sự, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo quyết định đó, trường hợp đương sự không có mặt tại phiên họp xét đơn yêu cầu thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được quyết định. Đơn kháng cáo phải nêu rõ lý do và yêu cầu kháng cáo.
b) Về quy trình:
(i) Tòa án nhân dân cấp cao xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ; trường hợp cần phải yêu cầu giải thích theo quy định tại khoản 1 Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hạn này được kéo dài, nhưng không quá 02 tháng.
(ii) Phiên họp xét lại quyết định bị kháng cáo, kháng nghị được tiến hành như sau:
• Phiên họp được tiến hành với sự có mặt của người thi hành, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ, nếu một trong những người này vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên họp.
• Việc xét đơn kháng cáo, kháng nghị vẫn được tiến hành nếu người được thi hành hoặc người dại diện hợp pháp của họ, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ yêu cầu Tòa án xét đơn vắng mặt họ hoặc người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.
• Khi xem xét đơn kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng không được xét xử lại tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài ra phán quyết. Tòa án chỉ được kiểm tra, đối chiếu phán quyết của Trọng tài nước ngoài, giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu và đơn kháng cáo, kháng nghị với các quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, các quy định khác có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt nam là thành viên để làm cơ sở ra quyết định đối với kháng cáo, kháng nghị quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài hoặc quyết định không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
(iii) Xét kháng cáo, kháng nghị:
• Hội đồng xét quyết định bị kháng cáo, kháng nghị đình chỉ giải quyết kháng cáo, kháng nghị trong trường hợp:
– Đương sự kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị; hoặc
– Đương sự kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt và không có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt.
Lưu ý rằng thời điểm đương sự kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị diễn ra trước hoặc sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định mở phiên họp sẽ được Thẩm phán chủ tọa hoặc Hội đồng xét kháng cáo, kháng nghị ra quyết định khác nhau tùy từng trường hợp. Cụ thể, nếu là trước khi mở phiên họp, Thẩm phán chủ tọa ra quyết định đình chỉ giải quyết kháng cáo, kháng nghị; nếu là sau khi mở phiên họp: Hội đồng xét kháng cáo, kháng nghị ra quyết định đình chỉ giải quyết xét kháng cáo, kháng nghị.
(iv) Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định và có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Như vậy, kháng cáo, kháng nghị là hành vi tố tụng dành cho người được quyền và người có thẩm quyền được pháp luật quy định nhằm đảm bảo toàn diện cho mong muốn và quan điểm của người được quyền kháng cáo; cũng như hạn chế được sai sót có thể bị bỏ lọt mà người có thẩm quyền có thể kháng nghị đối với quyết định công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận Phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam của Tòa án.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam”. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn đọc trong công việc và cuộc sống.
Trân trọng,