Khi nói đến quyền đại diện, chúng ta thường sẽ nghĩ đến hai trường hợp: đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền. Tuy nhiên, trên thực tế có những giao dịch mặc dù được xác lập bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền nhưng người đại diện đó không có quyền để xác lập, thực hiện giao dịch. Trong trường hợp này, hợp đồng đã ký kết có bị vô hiệu không, hậu quả pháp lý sẽ là gì và chúng ta có thể làm gì để khắc phục và phòng tránh rủi ro này, mời Quý khách hàng đón đọc bài viết tuần này của TNTP.

1. Các trường hợp hợp đồng do người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi ủy quyền xác lập, thực hiện

 Một số trường hợp hợp đồng được ký bởi người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi ủy quyền như:

  • Người ký là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân nhưng không có thẩm quyền ký kết. Trường hợp này thường xảy ra khi Người đại diện ký kết các giao dịch phải được sự thông qua của Hội đồng thành viên (Công ty TNHH), Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị đối với Công ty cổ phần.
  • Người ký không phải là đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp và không có ủy quyền hợp pháp của người có thẩm quyền ký kết. Trong nhiều hợp đồng, người ký kết là Phó giám đốc, trưởng phòng/ban,…trong Công ty nhưng không được uỷ quyền hợp pháp.
  • Người ký có văn bản uỷ quyền nhưng nội dung giao dịch vượt quá phạm vi uỷ quyền.
  • Người ký không phải là người được hộ gia đình, tổ chức, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân cử đại diện.

2. Hậu quả pháp lý

Về nguyên tắc, các hợp đồng, thoả thuận được ký bởi người không có thẩm quyền sẽ không thuộc trường hợp vô hiệu mà thuộc trường hợp không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ. Cụ thể, khoản 1 Điều 142, Điều 143 BLDS năm 2015 quy định:

Đối với người có quyền thẩm quyền (có quyền đại diện): trong trường hợp Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện đối với nội dung giao dịch đó hoặc phần giao dịch vượt quá phạm vi uỷ quyền, ngoại trừ một số trường hợp: (i) Người được đại diện đã công nhận giao dịch; (ii) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; (iii) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.

  Đối với người đã xác lập giao dịch mặc dù không có thẩm quyền: người xác lập giao dịch vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.

Đối với người đã giao dịch với người không có thẩm quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện/ vượt quá phạm vi ủy quyền mà vẫn giao dịch hoặc giao dịch đã được người có thẩm quyền công nhận.

Ngoài ra, trường hợp cố ý xác lập, thực hiện giao dịch với người không có thẩm quyền, gây thiệt hại cho người được đại diện thì những người tham gia giao dịch phải chịu trách nhiệm bồi thường.

3. Cách phòng tránh, khắc phục hậu quả

Khắc phục hậu quả:

Trong trường hợp đã giao kết hợp đồng với người không có thẩm quyền, để hạn chế rủi ro cho mình, người đã giao kết hợp đồng cần chứng minh được doanh nghiệp, người có thẩm quyền của doanh nghiệp đó hoặc cá nhân được đại diện đã đồng ý hoặc biết nhưng không phải đối việc xác lập, thực hiện giao dịch này. Việc chứng minh doanh nghiệp, người có thẩm quyền xác lập giao dịch của doanh nghiệp đã công nhận giao dịch hoặc biết nhưng không phải đối có thể được phản ánh trong một số dấu hiệu, ví dụ như:

  • Người có thẩm quyền ký kết đã có mặt trong các cuộc họp, thương lượng hoặc tại chính buổi ký kết nhưng không có ý kiến phản đối.
  • Doanh nghiệp đã sử dụng những tài sản có được từ việc thực hiện hợp đồng vào mục đích kinh doanh của công ty hoặc hoạt động chung của doanh nghiệp – các hoạt động này của doanh nghiệp là những thông tin mà người có thẩm quyền đã biết, có nghĩa vụ phải biết.
  • Doanh nghiệp đã và đang ký kết, thực hiện các Hợp đồng không đúng thẩm quyền tương tự.

Phòng tránh rủi ro trước khi giao kết, thực hiện hợp đồng:

Để hạn chế rủi ro, trước khi ký kết hợp đồng, cần lưu ý và kiểm tra kỹ thông tin, văn bản thể hiện thẩm quyền của người ký hợp đồng như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ Công ty để xác định thẩm quyền ký kết, văn bản ủy quyền, văn bản cử người đại diện đối với hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

Trường hợp người ký kết không phải người đại diện theo pháp luật, cần xác minh thẩm quyền thông qua Quyết định của Hội đồng thành viên đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị đối với Công ty cổ phần.

Trường hợp đã yêu cầu đối tác cung cấp các tài liệu cần thiết nhưng bị từ chối, Quý khách hàng nên cân nhắc kỹ lưỡng và thật thận trọng trước khi ký hợp đồng.

Trân trọng,

  1. Để biết thêm thông tin và nhận được các bài viết mới nhất của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tham gia các Fanpage trên Facebook của chúng tôi tại:
  1. Để cập nhật các kiến thức pháp lý, vui lòng tìm hiểu theo đường link sau:

https://dsdc.com.vn/category/chia-se-kien-thuc-phap-ly-ban-tin-phap-ly/

  1. Để biết thêm về các dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tìm hiểu theo các đường link sau:
  1. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Số điện thoại: 0931 798 818

Email: ha.nguyen@tntplaw.com