Hợp đồng đặt cọc là một dạng thỏa thuận nhằm để ràng buộc các bên thực hiện một giao dịch dân sự khác. Trên thực tế, các bên có thể đặt cọc để đảm bảo việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, ký kết hợp đồng thuê nhà,… Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản mà các bên cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng đặt cọc thuê nhà.
1. Thông tin của các bên
Hợp đồng đặt cọc thuê nhà cần thể hiện rõ ràng và đầy đủ thông tin của các bên, bao gồm: Bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc. Nếu là cá nhân cần cung cấp các thông tin chi tiết như họ và tên, thông tin căn cước công dân, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, email,… Nếu là pháp nhân cần cung cấp tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số thuế và thông tin của người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện được ủy quyền ký kết hợp đồng.
2. Mục đích đặt cọc
Tại điều này, các bên cần thỏa thuận về mục đích đặt cọc, ví dụ như đặt cọc để đảm bảo việc ký kết hợp đồng thuê nhà. Đồng thời, các bên nên quy định những thông tin cơ bản về nhà cho thuê như: loại nhà; vị trí, địa chỉ nhà; quy mô của nhà (tổng diện tích sàn xây dựng, tổng diện tích sử dụng đất), kết cấu, số tầng, mục đích sử dụng.
3. Tài sản đặt cọc
Các bên cần quy định cụ thể về loại tài sản đặt cọc, giấy tờ về tài sản (nếu có), tổng giá trị tài sản đặt cọc do hai bên thỏa thuận. Các bên cần lưu ý về việc tài sản đặt cọc chỉ có thể là tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác. Thông thường, tài sản đặt cọc là tiền, trong trường hợp này, các bên cần quy định cụ thể về số tiền đặt cọc.
4. Phương thức và thời hạn thanh toán tiền đặt cọc
Các bên cần quy định về việc phương thức thanh toán và thời hạn thanh toán tiền đặt cọc. Phương thức thanh toán có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Trường hợp thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, thông tin tài khoản của bên nhận đặt cọc cần được quy định cụ thể. Đối với thời hạn thanh toán, các bên cần quy định về thời hạn cụ thể mà bên đặt cọc phải thanh toán cho bên nhận đặt cọc, ví dụ là 05 ngày kể từ ngày các bên ký kết hợp đồng đặt cọc.
5. Thỏa thuận đặt cọc
Các bên cần quy định các nội dung như thời hạn thuê, giá thuê, giao kết hợp đồng thuê nhà.
Đối với nội dung giá thuê, các bên nên quy định về giá thuê này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và các loại thuế, phí khác như tiền điện, nước, điện thoại, fax, internet, chi phí dịch vụ vệ sinh,… hay chưa và trách nhiệm chi trả các loại thuế, phí này thuộc về bên nào.
Đối với nội dung giao kết hợp đồng thuê nhà, các bên cần quy định về việc trong thời hạn cụ thể, các bên phải ký kết hợp đồng thuê nhà với những điều kiện và điều khoản được kế thừa từ sự thoả thuận của hợp đồng đặt cọc này.
Các bên cần quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp một trong hai bên không ký kết hợp đồng thuê nhà, cụ thể như sau: Trường hợp quá thời hạn mà bên đặt cọc không ký kết hợp đồng, coi như bên đặt cọc đã từ chối giao kết hợp đồng thuê nhà và bên nhận đặt cọc có quyền cho một bên khác thuê; bên đặt cọc không được trả lại số tiền đã đặt cọc. Ngược lại, nếu bên nhận đặt cọc không ký kết hợp đồng thuê nhà thì phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền bằng số tiền đã đặt cọc cho bên đặt cọc.
Các bên cần thỏa thuận về việc xử lý số tiền đặt cọc sau khi các bên ký kết hợp đồng thuê nhà. Các bên có thể lựa chọn một trong hai hướng xử lý sau: tổng số tiền đặt cọc sẽ được cấn trừ vào tiền thanh toán theo hợp đồng thuê nhà hoặc được trả lại khi các bên giao kết hợp đồng thuê nhà.
6. Sự kiện bất khả kháng
Đối với loại hợp đồng này, các bên nên thỏa thuận về điều khoản bất khả kháng như định nghĩa về sự kiện bất khả kháng, trách nhiệm của bên gặp phải sự kiện bất khả kháng và miễn trừ trách nhiệm của bên gặp phải sự kiện bất khả kháng.
7. Hiệu lực và chấm dứt hợp đồng
Các bên cần thỏa thuận về thời hạn hợp đồng có hiệu lực, các trường hợp mà hợp đồng sẽ chấm dứt và hậu quả pháp lý khi hợp đồng chấm dứt. Ví dụ, các bên có thể thỏa thuận những trường hợp mà hợp đồng sẽ chấm dứt trước thời hạn bao gồm: i) Các bên đồng ý chấm dứt bằng văn bản; ii) Nếu bất cứ vi phạm hợp đồng nào không được khắc phục trong thời hạn cụ thể kể từ ngày nhận được yêu cầu khắc phục từ bên không vi phạm. Trong trường hợp này, bên không vi phạm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bằng cách gửi văn bản thông báo cho bên vi phạm; iii) Nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá một số ngày cụ thể kể từ ngày phát sinh, hợp đồng này có thể được chấm dứt dựa trên văn bản thông báo của một bên cho bên còn lại.
8. Giải quyết tranh chấp
Đối với điều khoản này, các bên cần thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài (cần lưu ý về điều kiện để được giải quyết tranh chấp tại Trọng tài). Thông thường, các bên sẽ lựa chọn việc thương lượng để giải quyết tranh chấp khi tranh chấp mới phát sinh, trường hợp thương lượng không thành, các bên sẽ khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Trên đây là nội dung bài viết “Hướng dẫn soạn thảo những nội dung cơ bản của hợp đồng đặt cọc thuê nhà”. Hi vọng những chia sẻ nêu trên hữu ích đối với những ai quan tâm đến vấn đề này.
Trân trọng,