Trong hoạt động thương mại, việc soạn thảo Hợp đồng yêu cầu nhiều thời gian và công sức để xây dựng và hoàn thiện. Với những lĩnh vực đặc thù như xây dựng hay vận tải, việc xây dựng hợp đồng có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể tính bằng năm. Trong bối cảnh đó, các hợp đồng mẫu được sử dụng như một phương thức để tiết kiệm thời gian cũng như công sức của các bên khi tham gia hoạt động thương mại. Trong bài viết này, TNTP sẽ làm rõ vấn đề về hợp đồng mẫu và vai trò của hợp đồng mẫu trong hoạt động thương mại tại Việt Nam.
I. Khái quát về hợp đồng mẫu
Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra định nghĩa về hợp đồng mẫu như sau: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”. Từ quy định trên, có thể thấy rằng hợp đồng theo mẫu là một dạng hợp đồng mà một bên đã soạn thảo sẵn các nội dung trong hợp đồng, bên còn lại trong hợp đồng trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu.
Ngoài ra, Pháp luật Việt Nam còn quy định về hợp đồng mẫu như sau:
• Hợp đồng mẫu phải được công khai với mục đích để các bên còn lại được biết về nội dung của Hợp đồng trước khi ký kết. Trình tự, thể thức công khai hợp đồng mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật.
• Trường hợp hợp đồng mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
• Trường hợp hợp đồng mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực.
• Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.
II. Đăng ký hợp đồng mẫu
Căn cứ Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định 02/2012/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 35/2015/QĐ-TTg thì các hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng mẫu gồm:
• Cung cấp điện sinh hoạt;
• Cung cấp nước sinh hoạt;
• Truyền hình trả tiền;
• Dịch vụ điện thoại cố định mặt đất;
• Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả sau);
• Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả trước);
• Dịch vụ truy nhập internet;
• Vận chuyển hành khách đường hàng không;
• Vận chuyển hành khách đường sắt;
• Mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp;
• Bảo hiểm nhân thọ.
III. Vai trò của Hợp đồng mẫu trong hoạt động thương mại tại Việt Nam
Hợp đồng mẫu mang lại nhiều công dụng như sau:
• Sử dụng hợp đồng mẫu sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức của các bên trong quá trình thương lượng, soạn thảo hợp đồng. Trong các lĩnh vực đặc thù như xây dựng và thương mại quốc tế, việc thương lượng, soạn thảo tốn rất nhiều thời gian, công sức, nên các bên có thể cân nhắc việc sử dụng hợp đồng mẫu.
• Đối với những doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ với số lượng lớn, khi hoạt động thương mại mà doanh nghiệp tiến hành có tính lặp đi lặp lại trong thời gian dài, các hợp đồng mẫu sẽ trở nên thuận tiện hơn thay vì phải tiến hành thương lượng hợp đồng nhiều lần về cùng một nội dung trong Hợp đồng.
IV. Một số lưu ý khi sử dụng hợp đồng mẫu
Bên cạnh những lợi ích mà hợp đồng mẫu mang lại, cần phải chú ý đến những vấn đề sau khi sử dụng hợp đồng mẫu:
• Cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các nội dung của điều khoản trong hợp đồng mẫu, do việc chấp nhận hợp đồng mẫu đồng nghĩa với việc đồng ý với mọi điều khoản trong hợp đồng, nên có thể tiềm ẩn rủi ro trong trường hợp có những điều khoản được thiết kế theo hướng quyền lợi nghiêng hoàn toàn về một bên trong hợp đồng. Trường hợp không đồng ý với toàn bộ nội dung hợp đồng, bên được đề nghị có quyền yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các nội dung trong hợp đồng hoặc từ chối không ký kết hợp đồng.
• Các hợp đồng mẫu không thể dược sử dụng một cách hiệu quả ở tất cả các giao dịch, do mỗi giao dịch có những đặc điểm khác nhau. Vì vậy, các bên có thể điều chỉnh hợp đồng theo mẫu cho phù hợp với thực tiễn kinh doanh của các bên.
Trên đây là nội dung bài viết “Hợp đồng mẫu trong hoạt động thương mại tại Việt Nam”. TNTP hy vọng bài viết đã đem lại những thông tin, kiến thức pháp lý hữu ích cho độc giả.
Trân trọng.