Dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, song hiện tại, các quốc gia vẫn có hy vọng vào các giải pháp để khôi phục kinh tế. Do đó, nhu cầu thành lập doanh nghiệp đã dần tăng trở lại. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cá nhân, tổ chức không bắt buộc phải lập Hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp. Các bên có thể trực tiếp tiến hành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, việc lập Hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp có nhiều lợi ích trong việc giảm thiểu rủi ro và tranh chấp. Vì vậy, chúng tôi xin đưa ra những chia sẻ pháp lý về 03 nội dung quan trọng nhất cần có trong Hợp đồng hợp tác để thành lập doanh nghiệp.

Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020, người thành lập doanh nghiệp được ký Hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư không quy định rõ về các nội dung phải có trong Hợp đồng phục vụ cho việc thành lập doanh nghiệp. Các bên có thể tùy ý thỏa thuận nội dung của Hợp đồng trong phạm vi của pháp luật.

Theo kinh nghiệm của TNTP, Hợp đồng hợp tác để thành lập doanh nghiệp phải có 03 nội dung sau:

1. Vốn góp

Vốn góp là một nội dung quan trọng cần phải có trong Hợp đồng hợp tác để thành lập doanh nghiệp. Trong đó, các bên nên quy định rõ tổng vốn góp để thành lập doanh nghiệp (Vốn điều lệ), giá trị phần vốn góp của từng người thành lập doanh nghiệp tương đương với tỷ lệ % trên tổng vốn góp, thời hạn góp vốn, và tài sản góp vốn.

Thông thường, tài sản góp vốn nên là Đồng Việt Nam để thuận lợi cho việc đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, người thành lập doanh nghiệp vẫn có thể góp vốn bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Tuy nhiên, việc góp vốn bằng ngoại tệ, vàng, quyền sử dụng đất có thể ẩn chứa rủi ro do giá trị quy đổi ra Đồng Việt Nam có thể thay đổi theo thời gian, thị trường, dẫn đến giá trị vốn góp của người thành lập doanh nghiệp bị thay đổi.

2. Quyền và nghĩa vụ của các bên

Đối với quan hệ hợp tác thành lập doanh nghiệp, các bên có quyền trở thành thành viên hoặc cổ đông của công ty sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bên có nghĩa vụ phải góp vốn đúng loại tài sản, giá trị và thời hạn đã cam kết.

Tuy nhiên, việc quy định nghĩa vụ góp vốn không hoàn toàn tránh được rủi ro là một bên đã ký kết Hợp đồng hợp tác và cam kết góp vốn nhưng sau đó lại không góp vốn hoặc không góp đủ vốn. Khi đó, các bên sẽ phải điều chỉnh lại vốn điều lệ đã đăng ký hoặc tìm bên khác góp vốn thay thế. Việc điều chỉnh vốn điều lệ hoặc tìm bên khác góp vốn thay thế có thể mất nhiều công sức và thời gian bởi các bên phải chỉnh sửa điều lệ, danh sách cổ đông và thực hiện thủ tục thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được cấp cho công ty.

Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận ủy quyền cho một bên thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, chức danh, vai trò của mỗi bên trong Công ty. Ví dụ như: thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật, …

3. Giải quyết tranh chấp

Mặc dù rủi ro xảy ra tranh chấp là kết quả không ai muốn, tuy nhiên trên thực tế có không ít các tranh chấp liên quan đến góp vốn thành lập doanh nghiệp. Do đó, các bên nên quy định về trình tự giải quyết tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp này, TNTP đề nghị các bên ghi rõ cơ quan giải quyết tranh chấp là “Tòa án có thẩm quyền”.

Trên đây là những chia sẻ pháp lý của TNTP về những nội dung cần có trong Hợp đồng hợp tác để thành lập doanh nghiệp. Hy vọng bài viết này có ích với bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Điều khoản Giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng.

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp và Thu Hồi Nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com