Trong quá trình tiếp xúc và làm việc, TNTP nhận thấy rất nhiều doanh nghiệp không chú trọng vào điều khoản Giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng. Hậu quả là các doanh nghiệp thường gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình nộp đơn khởi kiện và thụ lý vụ án. Vì vậy qua bài viết này, TNTP sẽ đưa ra những ví dụ, phân tích các lỗi sai mà doanh nghiệp hay gặp khi quy định về Điều khoản Giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng, từ đó đề cập giải pháp để đảm bảo tính pháp lý, tính rõ ràng, và hạn chế tối đa các rủi ro khi tiến hành khởi kiện.

Dựa trên kinh nghiệm làm việc, TNTP có thể đưa ra các lỗi mà doanh nghiệp hay mắc phải khi quy định về Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng như sau:

1. “Trường hợp các bên không thể giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải, các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án tỉnh A giải quyết

Phân tích:

Trên đây là một lỗi sai phổ biến mà nhiều doanh nghiệp mắc phải khi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết của Tòa án được chia thành: thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo cấp, thẩm quyền theo lãnh thổ. Các bên không được tùy ý lựa chọn bất kỳ một Tòa án cụ thể nào (ví dụ như: Tòa án Thành phố Hà Nội) mà phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thẩm quyền giải quyết của Tòa án (Chương III Bộ Luật Tố tụng dân sự).

Thông thường, tranh chấp kinh doanh thương mại giữa hai doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện nơi bị đơn có trụ sở. Trường hợp các bên có thỏa thuận với nhau thì phạm vi thỏa thuận chỉ được thỏa thuận tại Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn. Trong một số trường hợp đặc biệt, nguyên đơn được lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết nhưng phải theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Giải pháp:

Để khắc phục lỗi này, trường hợp Các bên không hiểu rõ quy định pháp luật về thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Các bên nên ghi điều khoản giải quyết tranh chấp là: “Trường hợp các bên không thể giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải, các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.”

2. “Nếu các bên không thể giải quyết tranh chấp qua thương lượng hòa giải, các bên có quyền khởi kiện ra Trọng tài. Nếu không thể giải quyết bằng trọng tài kinh tế, tranh chấp sẽ được giải quyết bởi Tòa án kinh tế”

Phân tích:

Đây là một lỗi sai phổ biến khác của doanh nghiệp khi lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp. Đó  là các bên không có thỏa thuận trọng tài rõ ràng. Theo Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010, trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Có thể hiểu, các bên không thể vừa giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại, vừa giải quyết tại Tòa án. Doanh nghiệp chỉ được lựa chọn MỘT cơ quan để giải quyết tranh chấp.

Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp khi muốn khởi kiện tại Trọng tài sẽ phải giải trình, chứng minh thỏa thuận trọng tài có hiệu lực. Hoặc nếu doanh nghiệp muốn khởi kiện tại Tòa án thì sẽ phải chứng minh thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Việc giải trình, chứng minh này sẽ kéo dài thời gian thụ lý vụ án của doanh nghiệp.

Giải pháp:

Trường hợp các bên chưa ký Hợp đồng, các bên nên cân nhắc kỹ và chỉ lựa chọn 01 cơ quan giải quyết là Trọng tài thương mại hoặc Tòa án.

Trường hợp các bên đã ký kết Hợp đồng và chưa phát sinh tranh chấp, các bên có thể làm Phụ lục Hợp đồng để sửa đổi điều khoản Giải quyết tranh chấp.

Trường hợp các bên đã ký Hợp đồng và phát sinh tranh chấp thì các bên có thể căn cứ vào Điểm a Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP để khởi kiện tại Trọng tài thương mại. Cụ thể, trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, nếu một bên khởi kiện tại Trọng tài thương mại trước và chưa bên nào yêu cầu Tòa án giải quyết hoặc Tòa án chưa thụ lý thì Trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết và Tòa án phải từ chối thụ lý, giải quyết.

3. “Trường hợp không thể thương lượng, hòa giải, các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án kinh tế/Trọng tài kinh tế có thẩm quyền”

Phân tích:

Lỗi sai tiếp theo của các doanh nghiệp khi quy định về điều khoản Giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng là không viết đúng tên của cơ quan giải quyết tranh chấp. Trong một số trường hợp, các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ đưa lý do là không đúng tên, hoặc không có cơ quan giải quyết tranh chấp nào có tên như vậy để từ chối thụ lý, giải quyết.

Giải pháp:

Các bên nên lưu ý tìm hiểu và viết đúng tên của Cơ quan giải quyết tranh chấp để không gặp khó khăn trong quá trình nộp đơn khởi kiện và thụ lý vụ án.

Hiện tại, tên gọi của hệ thống Tòa án tại Việt Nam như sau:

Tòa án Nhân dân Tối cao;

Tòa án Nhân dân Cấp cao;

Tòa án Nhân dân Tỉnh/Thành phố …;

Tòa án Nhân dân Huyện/Quận/Thị trấn …

Đối với các Trung tâm Trọng tài thương mại tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể tìm kiếm trên các công cụ như Google, Bing, Baidu, … để ghi đúng tên của Trung tâm Trọng tài thương mại mà các bên muốn lựa chọn để giải quyết tranh chấp.

Trên đây là những phân tích và giải pháp cho các doanh nghiệp khi quy định về điều khoản Giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng. Hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Có được phép áp dụng điều khoản về sự kiện bất khả kháng đối với dịch bệnh COVID-19?

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp Và Thu Hồi Nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com