Khi đề cập đến những phương án giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp, chúng ta thường nghĩ đến việc khởi kiện tại Tòa án hoặc khởi kiện tại Trung tâm trọng tài thương mại. Tuy nhiên, ngoài hai lựa chọn trên, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án khác là hòa giải tại Tòa án. Trong bài viết này, TNTP sẽ giới thiệu đến các doanh nghiệp một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, đó là hòa giải tại Tòa án trong giai đoạn Tiền tố tụng.

1. Hòa giải tiền tố tụng là gì?

Hòa giải tiền tố tụng theo quy định tại Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 là hoạt động được tổ chức tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự. Hòa giải sẽ được thực hiện bởi các Hòa giải viên – những người đủ điều kiện được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để tiến hành hòa giải. Hòa giải tiền tố tụng không phải thủ tục phải được thực hiện trước khi Tòa án tiến hành thụ lý vụ việc dân sự, tuy nhiên Tòa án sẽ thông báo và đề nghị nguyên đơn đưa ra ý kiến có lựa chọn hòa giải tiền tố tụng hay không.

2. Các giai đoạn hòa giải tiền tố tụng

  • Nếu nguyên đơn không đồng ý hòa giải tiền tố tụng, tòa án sẽ ghi nhận ý kiến và không tiến hành hòa giải để thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo.
  • Nếu nguyên đơn đồng ý hòa giải, các giai đoạn tiếp theo như sau:

GĐ 1: Nguyên đơn ghi thông tin vào Bản trình bày ý kiến của người khởi kiện/người yêu cầu về việc lựa chọn hòa giải, lựa chọn hòa giải viên. Tòa án sẽ tư vấn để nguyên đơn lựa chọn hòa giải viên phù hợp với vụ việc.

GĐ 2: Sau khi đã điền đầy đủ các thông tin vào Bản trình bày ý kiến, nguyên đơn nộp lại cho Tòa án Biên bản trình bày ý kiến.

GĐ 3: Tòa án sẽ tiến hành phân công vụ việc cho Hòa giải viên được lựa chọn và sắp xếp lịch hòa giải, các thông tin về lịch hòa giải sẽ được Hòa giải viên sắp xếp và thông báo cho nguyên đơn và bị đơn.

GĐ 4: Sau khi sắp xếp được lịch hòa giải, Hòa giải viên sẽ tiến hành Phiên hòa giải tại Tòa án.

GĐ 5: Trường hợp các bên thống nhất được phương án hòa giải, Hòa giải viên sẽ ấn định thời gian mở Phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải. Kết thúc Phiên họp, Thẩm phán tòa án sẽ ký xác nhận Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải.

GĐ 6: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải được ban hành, nếu các bên không có ý kiến thay đổi, bổ sung hay phản đối đối với Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải này thì Tòa án sẽ ban hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành. Quyết định này sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được thi hành án.

Lưu ý: Chi phí hòa giải tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm. Các bên sẽ phải chịu phí hòa giải nếu vụ việc thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Vụ việc tranh chấp về kinh doanh thương mại có giá ngạch; (ii) Khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải nằm ngoài trụ sở tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; (iii) Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

3. Ưu và nhược điểm của hòa giải tiền tố tụng

a) Ưu điểm

  • Tiết kiệm rất nhiều thời gian so với thủ tục xét xử bởi quá trình kể từ khi bắt đầu hòa giải đến khi có Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành có thể chỉ kéo dài trong 01 tháng.
  • Tiết kiệm chi phí do việc hòa giải tại tòa án được đảm bảo bằng nguồn ngân sách nhà nước, do đó nếu không thuộc các trường hợp phải chịu chi phí thì các bên hoàn toàn có thể không phải chịu bất cứ chi phí nào.
  • Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, đồng thời được thi hành án theo quy định. Điều này giúp tiết kiệm thời gian do vụ việc không bị kéo dài, hơn nữa doanh nghiệp có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án buộc bên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm thi hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.

b) Nhược điểm

 Chỉ có thể hòa giải nếu cả hai bên cùng thống nhất để đưa ra phương án hòa giải và có thiện chí hòa giải.

  • Do phải thống nhất để đưa ra phương án hòa giải nên nguyên đơn có thể phải chia sẻ một phần lợi ích với bị đơn.
  • Nếu đã thống nhất về việc hòa giải và Tòa án đã ban hành Quyết định công nhận hòa giải thành, doanh nghiệp sẽ không thể tiến hành khởi kiện đối với các yêu cầu đã được tòa án giải quyết.

Trên đây là ý kiến pháp lý của TNTP về phương thức giải quyết tranh chấp Hòa giải tiền tố tụng tại Tòa án. TNTP hi vọng bài viết này sẽ có giá trị và hữu ích đối với các doanh nghiệp.

Trân trọng,

  1. Để biết thêm thông tin và nhận được các bài viết mới nhất của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tham gia các Fanpage trên Facebook của chúng tôi tại:
  1. Để cập nhật các kiến thức pháp lý, vui lòng tìm hiểu theo đường link sau:

https://dsdc.com.vn/category/chia-se-kien-thuc-phap-ly-ban-tin-phap-ly/

  1. Để biết thêm về các dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tìm hiểu theo các đường link sau:
  1. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Số điện thoại: 0931 798 818

Email: ha.nguyen@tntplaw.com