Để phát sinh hiệu lực, ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên thì các giao dịch dân sự cần phải đáp ứng các điều kiện nhất định của pháp luật. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà một trong các bên đã thực hiện không đúng, không đầy đủ các điều kiện đó, dẫn đến giao dịch dân sự đã xác lập bị vô hiệu. Vô hiệu được chia thành vô hiệu toàn bộ và vô hiệu từng phần, để hiểu rõ hơn về giao dịch dân sự vô hiệu từng phần, hãy tìm hiểu cùng TNTP.

1. Giao dịch vô hiệu từng phần

  • Giao dịch dân sự vô hiệu khi không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật dân sự năm 2015 (“BLDS 2015”), trừ trường hợp BLDS có quy định khác. Ví dụ, giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật thì được coi là vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức, tuy nhiên nếu một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
  • Nội dung của giao dịch dân sự có thể bao gồm nhiều vấn đề như đối tượng, thời gian, địa điểm, giá cả, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên,… Nếu nội dung nào trong giao dịch dân sự vi phạm quy định tại Điều 117 BLDS 2015 thì nội dung đó sẽ bị vô hiệu, còn phần còn lại vẫn có hiệu lực (ràng buộc các bên).
  • Giao dịch vô hiệu từng phần thường là giao dịch có đối tượng bao gồm nhiều vật khác nhau hoặc các công việc khác nhau. Do chủ thể của giao dịch bị nhầm lẫn hoặc chủ thể không có quyền định đoạt đối với toàn bộ các vật trong giao dịch (vật đó không thuộc quyền sở hữu của chủ thể hoặc vật đó thuộc quyền sở hữu chung mà không có sự đồng ý của đồng sở hữu chung) mà phần giao dịch liên quan đến các đối tượng này bị vô hiệu, còn các phần khác của giao dịch vẫn có hiệu lực.
  • Ví dụ: Theo quy định của BLDS 2015, trừ trường hợp đặc thù, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp các bên ký kết hợp đồng vay tiền, thỏa thuận mức lãi suất vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực còn những nội dung khác của hợp đồng vẫn có hiệu lực nếu tuân thủ Điều 117 của BLDS 2015.

2. Hậu quả pháp lý khi giao dịch dân sự vô hiệu từng phần

Về thời điểm vô hiệu của giao dịch: Khi giao dịch dân sự vô hiệu từng phần, nội dung vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên liên quan đến nội dung đó kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

Về trách nhiệm của các bên: Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận trong phạm vi nội dung vô hiệu. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì quy đổi thành tiền để hoàn trả, việc hoàn trả vật, hay tiền sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên, còn nếu không thỏa thuận được thì về nguyên tắc, đối tượng của giao dịch là vật, thì khi phần nội dung giao dịch vô hiệu bên nhận vật có nghĩa vụ hoàn trả lại vật (hoàn nguyên) mà mình đã nhận cho bên có quyền.

Các bên có nghĩa vụ thực hiện các phần nội dung còn lại có hiệu lực, trường hợp không thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ thì sẽ phải chịu các chế tài tương ứng, có thể là bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm,…

Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức đó. Ngay tình là một trong các bên không biết hoặc không thể biết phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu; hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại; lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.

Về bồi thường thiệt hại: Bên có lỗi gây thiệt hại sẽ có trách nhiệm phải bồi thường, việc bồi thường sẽ được tính theo quy định của pháp luật dựa trên sự thỏa thuận của các bên và thiệt hại thực tế xảy ra.

3. Hướng giải quyết khi giao dịch dân sự bị vô hiệu một phần

  • Khi một phần nội dung của giao dịch dân sự bị vô hiệu thì các bên cần thỏa thuận sửa đổi các điều khoản liên quan đến nội dung vô hiệu, trường hợp không thỏa thuận được thì các bên thực hiện theo quy định của pháp luật về hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu từng phần;
  • Giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới phần nội dung bị vô hiệu như bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm, khôi phục các quyền và lợi ích ban đầu;
  • Nếu phần nội dung vô hiệu làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nội dung còn lại thì các bên nên thỏa thuận và xác lập, giao kết một giao dịch dân sự mới với nội dung đúng và đầy đủ hơn;
  • Trường hợp các bên có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý về nội dung của giao dịch dân sự thì có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.

Trên đây là bài viết “Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu từng phần”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,