Thực tế, các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng nói chung và hợp đồng gia công nói riêng diễn ra ngày càng phổ biến. Việc giải quyết các xung đột, mâu thuẫn phát sinh thường tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Một trong những giải pháp tốt nhất để hạn chế các tranh chấp này là thỏa thuận rõ nội dung các điều khoản trong hợp đồng. Vì vậy, việc soạn thảo hợp đồng gia công cần được đặc biệt chú trọng. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ cung cấp cho bạn đọc những rủi ro khi thực hiện hợp đồng gia công để các bên phòng tránh, hạn chế các rủi ro.
1. Rủi ro về chủ thể ký kết hợp đồng gia công
Chủ thể tham gia ký kết hợp đồng gia công có thể là cá nhân hoặc tổ chức nhưng các chủ thể này cần có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
Cụ thể, đối với hợp đồng gia công thương mại thì bên nhận gia công phải là thương nhân kinh doanh ngành nghề phù hợp với sản phẩm gia công. Đối với chủ thể là cá nhân thì chủ thể này phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đối với chủ thể là tổ chức thì người ký kết hợp đồng phải là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp để ký kết hợp đồng.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp, hợp đồng gia công có chủ thể tham gia ký kết là tổ chức nhưng lại được ký bởi đại diện không có thẩm quyền, ví dụ như không phải là người đại diện theo pháp luật, không được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền nhưng thực hiện việc ký kết, xác lập hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền. Hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền có thể bị vô hiệu. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng có thể bị vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Hợp đồng bị vô hiệu sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên.
Vì vậy, khi xác lập hợp đồng gia công, các bên cần đặc biệt lưu ý đến tư cách chủ thể của các bên ký kết. Theo đó, các bên có thể yêu cầu đối phương cung cấp các giấy tờ pháp lý như căn cước công dân/hộ chiếu, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy ủy quyền trong trường hợp được ủy quyền để xác định đại diện ký kết có đủ thẩm quyền để ký kết hợp đồng hay không.
2. Rủi ro do giao sản phẩm gia công không đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận
Bên nhận gia công có nghĩa vụ giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận. Bên nhận gia công chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.
Trên thực tế, đã có rất nhiều tranh chấp xảy do bên nhận gia công giao sản phẩm gia công không đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm như đã giao kết. Vì vậy, để hạn chế rủi ro này, các bên nên thỏa thuận rõ trong hợp đồng về các nội dung nêu trên. Đồng thời, bên đặt gia công nên soạn thảo nội dung quy định rằng nếu bên gia công vi phạm điều khoản về giao sản phẩm không đúng số lượng, chất lượng,… sẽ phải chịu phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại cũng như giao bù, đổi trả hàng hóa cho bên đặt gia công.
3. Rủi ro do bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm gia công
Theo Điều 548 Bộ luật Dân sự 2015, khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời hạn chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp các bên có thỏa thỏa thuận khác.
Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ (Điều 550 Bộ luật Dân sự 2015).
Như vậy, pháp luật cho phép các bên được thỏa thuận về trách nhiệm chịu rủi ro trong trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm. Để hạn chế những tranh chấp sau này, các bên nên quy định cụ thể, chi tiết trong hợp đồng về trách nhiệm của bên đặt gia công khi chậm nhận sản phẩm gia công.
4. Rủi ro do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng gia công
Pháp luật quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng gia công của các bên như sau:
– Mỗi bên đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công, nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.
– Bên đặt gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải trả tiền công tương ứng với công việc đã làm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên nhận gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì không được trả tiền công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không thông báo cho bên kia biết trước trong một khoảng thời gian hợp lý thì sẽ gây thiệt hại cho bên còn lại. Điều này dẫn đến các tranh chấp về xác định mức tiền bồi thường thiệt hại, đặc biệt là trong trường hợp phát sinh thiệt hại cho cả bên thứ ba.
Vì vậy, các bên nên thỏa thuận trong hợp đồng về các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trường hợp vi phạm thì bên vi phạm phải chịu phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm.
5. Rủi ro do vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng gia công
Theo quy định của pháp luật, bên đặt gia công phải trả đủ tiền công vào thời điểm nhận sản phẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình đối với việc tạo ra sản phẩm cùng loại tại địa điểm gia công và vào thời điểm trả tiền.
Bên đặt gia công không có quyền giảm tiền công, nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà mình đã cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của mình.
Thực tế, tranh chấp về hợp đồng do vi phạm nghĩa vụ thanh toán là tranh chấp vô cùng phổ biến. Nguyên nhân là do bên đặt gia công thanh toán tiền công không đúng phương thức, thời hạn thanh toán hoặc bên đặt gia công tự ý giảm tiền công của bên nhận gia công. Vì vậy, để hạn chế tranh chấp này, các bên nên thỏa thuận rõ trong hợp đồng về thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thanh toán,… Theo đó, thời hạn thanh toán có thể chia thành nhiều đợt tùy theo thỏa thuận của các bên. Đồng thời, đối với mỗi đợt thanh toán các bên nên thỏa thuận rõ về mức thanh toán.
Trước khi ký kết hợp đồng gia công, các bên cần dự tính được những rủi ro khi thực hiện hợp đồng gia công để từ đó quy định giải pháp phòng ngừa, hướng giải quyết trong hợp đồng. Trên đây là nội dung bài viết “Hạn chế tranh chấp phát sinh ngay từ khâu soạn thảo hợp đồng gia công” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề nào cần làm rõ, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.
Trân trọng,