Như đã phân tích ở bài viết trước, bảo mật thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và ràng buộc nghĩa vụ với các bên tham gia hợp đồng. Để hỗ trợ Quý Khách hàng có thể vận dụng linh hoạt điều khoản bảo mật thông tin, trong bài viết này, TNTP sẽ chia sẻ đến Quý khách hàng quy định về bảo mật thông tin trong một số loại Hợp đồng.

1. Những quy định về việc bảo mật thông tin trong một số loại Hợp đồng

Một số nội dung về điều khoản/thỏa thuận bảo mật thông tin trong một số loại hợp đồng tiêu biểu, cụ thể:

1.1 Điều khoản bảo mật thông tin trong Hợp đồng lao động

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019, Người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung và thời hạn bảo vệ bí mật đó, cũng như quyền lợi, bồi thường trong trường hợp vi phạm.

Người sử dụng lao động cần liệt kê rõ ràng, chi tiết về quy định bảo mật như:

  • Thông tin, tài liệu nào được xem là bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong điều khoản bảo mật. Nếu không thể liệt kê hết thì người sử dụng lao động có thể đưa ra các tiêu chí để xác định thông tin, tài liệu nào được coi là bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
  • Các nguyên tắc mà người lao động phải tuân thủ để bảo mật bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ như là: Không tiết lộ, sao chép và phát tán các Thông tin mật dưới mọi hình thức cho bất cứ ai trong hay ngoài Công ty; Không được mang bất kỳ tài liệu chứa các Thông tin mật ra khỏi phạm vi Công ty mà không có sự cho phép bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;…
  • Quy định về thời gian, phạm vi địa lý có hiệu lực của điều khoản tùy theo ngành nghề, vị trí và chức vụ của người lao động.
  • Quy định về hình thức xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại khi người lao động vi phạm.

1.2 Điều khoản bảo mật thông tin trong Hợp đồng kinh tế

Trong các hợp đồng thương mại, việc bảo mật thông tin cũng được chú trọng, đặc biệt đối với một số lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của doanh nghiệp như: pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ,…

Ví dụ, trong hoạt động nhượng quyền thương mại, nghĩa vụ bảo mật thông tin được quy định tại Khoản 4 Điều 289 Luật Thương mại năm 2005:

“Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các nghĩa vụ sau đây:

  1. Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt.”

Như vậy, có thể thấy nghĩa vụ bảo mật thông tin không chỉ được tuân thủ trong giai đoạn thực hiện hợp đồng, mà còn có giá trị cả khi hợp đồng kết thúc hoặc chấm dứt.

Các bên khi thực hiện nhượng quyền thương mại cần quy định việc bảo mật thông tin bắt đầu kể từ khi các bên bắt đầu đàm phán, bởi trong giai đoạn này, các bên phải trao đổi thông tin mật như lợi thế kinh doanh, doanh số, doanh thu,… để các bên cân nhắc, xem xét việc thực hiện nhượng quyền.

1.3 Điều khoản bảo mật thông tin trong Hợp đồng về lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Một số hợp đồng thông dụng trong lĩnh vực này bao gồm hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu, hợp đồng sử dụng tác phẩm, hợp đồng nghiên cứu khoa học,… Xuất phát từ tính chất quan trọng của lĩnh vực sở hữu trí tuệ, việc bảo mật trong tin luôn được coi trọng trong Hợp đồng về lĩnh vực này.

Theo đó, trong Hợp đồng về sở hữu trí tuệ, các bên cần quy định, giải thích rõ các thông tin mật, thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành để các bên có căn cứ để tuân thủ và xử lý khi xuất hiện tranh chấp, trong đó bao gồm tranh chấp về bí mật kinh doanh. Các bên có thể cân nhắc quy định một số nội dung sau trong điều khoản bảo mật thông tin:

  • Trên cơ sở các thông tin mật được cung cấp, bên nhận thông tin cam kết tuyệt đối sẽ không cung cấp thông tin mật cho bất kỳ bên thứ ba nào trừ khi có sự chấp thuận trước bằng văn bản của bên cung cấp thông tin. Không bên nào được tiết lộ nội dung của Hợp đồng mà không được sự chấp thuận trước bằng văn bản của bên còn lại, trừ trường hợp phải cung cấp theo quy định của pháp luật.
  • Bên nhận thông tin cam kết sẽ bồi thường thiệt hại cho bên cung cấp thông tin phát sinh từ việc vi phạm các cam kết bảo mật theo Hợp đồng.

2. Dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng

Để bảo đảm hạn chế tối đa các rủi ro cho doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng, TNTP hiện đang cung cấp dịch vụ soạn thảo, rà soát văn bản, hợp đồng cho doanh nghiệp. Thông tin chi tiết về dịch vụ, Quý khách hàng vui lòng xem chi tiết tại đây.

 Trân trọng,

  1. Để biết thêm thông tin và nhận được các bài viết mới nhất của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tham gia các Fanpage trên Facebook của chúng tôi tại:
  1. Để cập nhật các kiến thức pháp lý, vui lòng tìm hiểu theo đường link sau:

https://dsdc.com.vn/category/chia-se-kien-thuc-phap-ly-ban-tin-phap-ly/

  1. Để biết thêm về các dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tìm hiểu theo các đường link sau:
  1. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Số điện thoại: 0931 798 818

Email: ha.nguyen@tntplaw.com