Việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được ghi nhận tại nhiều điều ước quốc tế, trong đó cơ sở pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến là Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Ngày 28/7/1995, Chủ tịch nước Việt Nam đã ký Quyết định số 453/CTN về việc tham gia Công ước New York năm 1958. Bài viết dưới đây sẽ trình bày những nội dung cần chú ý về Công ước New York năm 1958.
1. Khái niệm
Có thể hiểu rằng, công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài là một thủ tục tố tụng do tòa án tiến hành nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của phán quyết của trọng tài nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được đặt ra khi có yêu cầu của ít nhất một trong các bên trong quan hệ giải quyết tranh chấp.
2. Công ước New York 1958
(i) Về thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
Công ước không quy định về thời hiệu mà bên yêu cầu có quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Do vậy, vấn đề này sẽ được quy định bởi pháp luật quốc gia.
(ii) Các trường hợp từ chối việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài ở một số nước thành viên của Công ước
Căn cứ Điều 5 của Công ước, các trường hợp từ chối bao gồm:
– Theo luật mà các bên chịu sự điều chỉnh, các bên trong thỏa thuận trọng tài không có đủ năng lực hoặc thỏa thuận trọng tài không có giá trị. Trường hợp không có quy định cụ thể về luật áp dụng, luật của quốc gia nơi ban hành phán quyết sẽ được áp dụng.
– Nếu bên phải thi hành phán quyết không được thông báo thích đáng về việc chỉ định trọng tài viên hay về tố tụng trọng tài hoặc vì một nguyên nhân khác khiến họ không thể trình bày vụ việc của mình.
– Phán quyết được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá phạm vi yêu cầu của các bên. Tuy nhiên, nếu có thể tách rời phần phán quyết về những vấn đề được yêu cầu xét xử khỏi những phần vượt quá phạm vi yêu cầu xét xử, phần phán quyết liên quan đến các vấn đề được yêu cầu xét xử có thể được công nhận và cho thi hành.
– Thành phần trọng tài xét xử hoặc thủ tục xét xử trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên, không phù hợp với luật của nước nơi tiến hành trọng tài.
– Phán quyết chưa có hiệu lực ràng buộc đối với các bên, hoặc bị hủy hoặc bị đình chỉ thi hành bởi cơ quan có thẩm quyền của nước ban hành phán quyết hoặc theo luật của nước nơi ban hành phán quyết.
Việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài còn có thể bị từ chối trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước nơi việc công nhận và cho thi hành phán quyết cho rằng đối tượng của vụ tranh chấp không được giải quyết bằng trọng tài theo pháp luật của nước đó hoặc việc công nhận và cho thi hành phán quyết sẽ trái với trật tự công của nước đó.
(iii) Việc gửi tài liệu của bên yêu cầu
Công ước New York 1958 quy định rằng quy trình công nhận và cho thi hành chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia. Tại Việt Nam, Tòa án có thẩm quyền xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cá nhân phải thi hành cư trú hoặc làm việc; cơ quan hoặc tổ chức phải thi hành án có trụ sở, có tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
Căn cứ Điều 4 của Công ước, bên yêu cầu muốn tòa án công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài phải nộp đơn yêu cầu, kèm theo đó là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của phán quyết trọng tài và thỏa thuận trọng tài. Nếu phán quyết trọng tài được tuyên bằng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ chính thức của nước có tòa án được yêu cầu thì tòa án có thể yêu cầu bên yêu cầu phải nộp bổ sung bản dịch hợp lệ được xác nhận bởi một phiên dịch viên hoặc bởi một cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện lãnh sự.
(iv) Nghĩa vụ chứng minh của các bên
Ba nguyên tắc được áp dụng bao gồm:
– Nguyên tắc về trách nhiệm chứng minh: Theo nguyên tắc này, bên nào thực hiện quyền khởi kiện hoặc đưa ra các yêu cầu thì bên đó phải đưa ra chứng cứ chứng minh.
– Nguyên tắc tương hỗ: Theo nguyên tắc này, nghĩa vụ chứng minh không chỉ thuộc về nguyên đơn mà còn thuộc về bị đơn. Nguyên đơn khởi kiện và đưa ra các yêu cầu thì bị đơn đưa ra phản bác, lập luận đối kháng lại các yêu cầu của nguyên đơn.
– Nguyên tắc về xác định nghĩa vụ chứng minh: Theo nguyên tắc này, việc xác định nghĩa vụ chứng minh của các bên dựa trên những phán xét và thẩm định của cơ quan tài phán, bất kể các bên có yêu cầu hay không.
Trên đây là bài viết về “Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài theo điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên” TNTP muốn gửi đến độc giả. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng,