Ở bài viết trước, chúng tôi đã cung cấp cho các độc giả về trách nhiệm của nhà thầu chính, cũng như những biện pháp để bảo vệ quyền lợi của nhà thầu chính khi nhà thầu phụ vi phạm tiến độ xây dựng theo hợp đồng thầu phụ đã ký kết. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các căn cứ pháp lý và biện pháp xử lý cho nhà thầu chính trong trường hợp chủ đầu tư không thanh toán với lý do nhà thầu phụ chậm tiến độ.

1. Việc chủ đầu tư không thanh toán cho nhà thầu chính vì nhà thầu phụ chậm tiến độ có hợp pháp không?

Như chúng ta đã biết, trong mối quan hệ ba bên giữa chủ đầu tư – nhà thầu chính – nhà thầu phụ, thì nhà thầu chính có vai trò trung gian khi vừa phải đảm bảo với chủ đầu tư về chất lượng và tiến độ dự án, cũng như có trách nhiệm giám sát chất lượng cũng như tiến độ xây dựng của nhà thầu phụ để đảm bảo đúng tiến độ dự án mà nhà thầu chính đã cam kết với chủ đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư có được quyền không thanh toán cho nhà thầu chính nếu nhà thầu phụ thi công chậm dẫn đến dự án bị chậm tiến độ hay không?

Áp dụng Khoản 1 Điều 19 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về Thanh toán hợp đồng xây dựng, theo đó, việc thanh toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng mà các bên đã ký kết.

Theo quy định trên, pháp luật đã quy định rõ việc thanh toán hợp đồng xây dựng sẽ dựa trên các điều kiện, điều khoản do các bên thỏa thuận. Ngoài ra, trong bài viết Nhà thầu thi công chậm tiến độ – Giải pháp nào cho chủ đầu tư, TNTP đã nêu rõ các quy định của pháp luật để bảo vệ cho chủ đầu tư khi nhà thầu chậm tiến độ. Trong đó, chủ đầu tư có quyền tạm dừng hoặc chấm dứt thực hiện Hợp đồng, phạt hợp đồng đối với nhà thầu, và yêu cầu nhà thầu bồi thường thiệt hại. Không có quy định nào của pháp luật cho phép chủ đầu tư được quyền không thanh toán cho nhà thầu chính khi nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ vi phạm tiến độ.

Do đó, trừ trường hợp nội dung của Hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính có điều khoản quy định: “Khi dự án chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu phụ mà nhà thầu chính ký hợp đồng, chủ đầu tư có quyền ngừng thanh toán tiếp cho nhà thầu chính”, nếu không chủ đầu tư sẽ vẫn phải thanh toán cho nhà thầu chính khi tiến độ công trình bị chậm do lỗi của nhà thầu phụ và thực hiện các biện pháp thích hợp đối với nhà thầu chính như tạm ngừng hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng, phạt hợp đồng, yêu cầu nhà thầu chính bồi thường thiệt hại.

2. Kinh nghiệm để nhà thầu chính bảo vệ lợi ích của mình khi nhà thầu phụ chậm tiến độ

Do nhà thầu chính vừa phải chịu trách nhiệm về tiến độ dự án trước chủ đầu tư, vừa phải quản lý tiến độ xây dựng của nhà thầu phụ nên khi dự án bị chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu phụ, nhà thầu chính là bên gặp nhiều bất lợi nhất. Nhà thầu chính có nguy cơ bị tạm ngừng hoặc chấm dứt hợp đồng, bị phạt hợp đồng hoặc phải bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư trong khi lỗi thuộc về nhà thầu phụ.

Như vậy, cần có biện pháp để nhà thầu chính có thể bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp này.

Đầu tiên, việc thanh toán hợp đồng xây dựng sẽ phụ thuộc vào các điều kiện và điều khoản mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Do đó, khi ký kết hợp đồng xây dựng, nhà thầu chính nên thỏa thuận, thương lượng để đưa ra điều khoản quy định về việc thanh toán không quá bất lợi cho nhà thầu chính, tránh quy định cho phép chủ đầu tư không thanh toán khi nhà thầu phụ không đảm bảo tiến độ dự án.

Thứ hai, để tránh việc chủ đầu tư tiến hành khấu trừ hoặc phạt vi phạm đối với nhà thầu chính do dự án bị chậm tiến độ thì trước hết, nhà thầu chính vẫn phải chủ động thực hiện việc đôn đốc, giám sát tiến độ xây dựng của nhà thầu phụ. Nhà thầu phụ có thể tiến hành các biện pháp cần thiết như tạm dừng, chấm dứt, phạt vi phạm, hoặc thậm chí đề xuất với chủ đầu tư về việc thay thế nhà thầu phụ khác khi nhận thấy nhà thầu phụ thi công chậm và có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn bộ dự án.

Việc làm này vừa là nghĩa vụ của nhà thầu chính, nhưng cũng là biện pháp cần thiết để hạn chế rủi ro. Vì khi nhà thầu chính kiểm soát được tiến độ xây dựng của dự án thì nhà thầu chính sẽ có cơ hội phát hiện sớm những phát sinh, hay những chậm trễ trong quá trình xây dựng của Nhà thầu phụ, đồng thời có thể lên phương án khắc phục trước khi việc chậm trễ của nhà thầu phụ kéo theo những hậu quả và thiệt hại lớn hơn.

Trên đây là những chia sẻ pháp lý liên quan đến cách xử lý của nhà thầu chính khi nhà thầu phụ thi công chậm tiến độ hợp đồng. Hy vọng bài viết này có ích cho các bạn.

Trân trọng.

Tham gia Fanpage Giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ để có thêm những thông tin pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư: Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com