Trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các tập quán quốc tế có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh và hỗ trợ các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế được diễn ra một cách thuận lợi hơn. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày những thông lệ, các tập quán thương mại phổ biến trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
I. Khái niệm về tập quán thương mại
Luật Thương mại năm 2005 đã đưa ra định nghĩa về thói quen thương mại và tập quán thương mại. Theo Khoản 3 Điều 3, thói quen trong hoạt động thương mại được hiểu là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên, được các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại. Khoản 4 Điều 3 định nghĩa tập quán thương mại là tập hợp những thói quen, phong tục về thương mại được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, được nhiều chủ thể tham gia quan hệ thương mại thừa nhận và áp dụng một cách thường xuyên với nội dung rõ ràng để dựa vào đó các bên xác định quyền và nghĩa vụ trong giao dịch thương mại.
Thông thường, tập quán thương mại được chia thành các nhóm sau:
• Tập quán thương mại chung: là các tập quán thương mại được nhiều nước công nhận và được áp dụng ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới. Ví dụ: Incoterms (Các Điều kiện Thương mại Quốc tế) do Phòng Thương mại Quốc tế (International Commercial Chamber, hay ICC) tập hợp và soạn thảo được rất nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận và áp dụng trong hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế;
• Tập quán thương mại khu vực (địa phương): là các tập quán thương mại quốc tế được áp dụng ở từng nước, từng khu vực hoặc từng cảng. Ví dụ: tại Hoa Kỳ, điều kiện cơ sở giao hàng FOB thường được áp dụng. Điều kiện FOB tại Hoa Kỳ được đưa ra trong “Định nghĩa ngoại thương của Mỹ sửa đổi năm 1941”, theo đó quy định 6 loại FOB với quyền và nghĩa vụ của bên bán, bên mua có sự khác biệt nhất định so với điều kiện FOB trong Incoterms năm 2000.
II. Các tập quán thương mại phổ biến trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Trong quá trình giao kết, tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, do tính chất quốc tế của Hợp đồng, các bên có thể gặp phải rào cản về mặt ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống pháp luật,… Điều này dẫn đến tình huống cùng một điều khoản, các bên có thể hiểu theo các cách khác nhau, từ đó tiềm ẩn rủi ro xảy ra tranh chấp. Những tập quán thương mại, nhất là những tập quán thương mại chung, do tính thống nhất và được thừa nhận rộng rãi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ thống nhất cho các bên, từ đó giảm thiểu phần nào những rào cản kể trên. Trong thực tiễn ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, một số tập quán thương mại điển hình có thể kể đến như sau:
• Incoterms: Incoterms, hay Các điều kiện Thương mại quốc tế, là một bộ quy tắc thương mại do Phòng Thương mại Quốc tế thiết lập và được sử dụng trong các hợp đồng mua bán quốc tế. Incoterms cung cấp một bộ quy tắc và hướng dẫn chung giúp tạo thuận lợi cho thương mại. Về bản chất, chúng cung cấp một ngôn ngữ chung mà các nhà giao dịch có thể sử dụng để đặt ra các điều khoản cho giao dịch của mình. Các quy tắc Incoterms điều chỉnh bao gồm việc trách nhiệm của bên mua và bên bán, giao nhận hàng hóa, chuyển rủi ro, trách nhiệm vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa của các bên,…. Incoterms thường được được sử dụng phổ biến cho vận tải đường biển và đường thủy nội địa, nhưng vẫn có thể được áp dụng cho tất cả các phương thức vận tải. Một điểm đặc biệt của Incoterms là việc các phiên bản có hiệu lực độc lập với nhau, tức là các bên có thể sử dụng Incoterm phiên bản 2000 cho các giao dịch trong năm 2023, với điều kiện phải thể hiện điều đó trong Hợp đồng giữa các bên.
• Quy tắc thực hành Thống nhất về Tín dụng Chứng từ (UCP): Đây là một bộ quy tắc được Phòng Thương mại Quốc tế ban hành, đưa ra các quy tắc để thực hành thống nhất về thư tín dụng áp dụng cho các tổ chức tài chính phát hành Thư Tín dụng – công cụ tài chính giúp các công ty tài trợ cho thương mại. Nhiều ngân hàng và người cho vay phải tuân theo quy định này nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa thương mại quốc tế, giảm rủi ro trong giao dịch hàng hóa và dịch vụ và quản lý thương mại. Quy tắc này được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng vào hoạt động thanh toán quốc tế.
• Các điều khoản bảo hiểm của Hiệp hội bảo hiểm (Insitution Cargo Clause): Đây là một phần của bảo hiểm hàng hải ban đầu được phát triển bởi Phòng Thương mại Quốc tế, một cơ quan quản lý các doanh nghiệp trên toàn cầu. Những điều khoản này lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1982, đến thời điểm hiện tại, các điều khoản được thay đổi để phù hợp với tình hình kinh doanh toàn cầu, mức độ rủi ro và mối đe dọa. Các điều khoản bảo hiểm được chia thành các mức độ A, B, C, mỗi mức độ có phạm vi, giá trị, các trường hợp được bảo hiểm hàng hóa khác nhau, phù hợp với nhu cầu của các bên khi có nhu cầu bảo hiểm hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
Trên đây là nội dung bài viết “Các tập quán thương mại phổ biến trong hợp dồng mua bán hàng hóa quốc tế”, Trường hợp có nội dung cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng,