Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, có một số điều khoản quan trọng cần được lưu ý để hạn chế tối đa rủi ro. Do vậy, chủ thể tham gia hợp đồng cần nắm những nội dung cơ bản cần biết để đề xuất với đối tác trong quá trình thương thảo hợp đồng. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ phân tích một số nội dung cơ bản cần biết về loại hợp đồng này.

I. Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa

Các văn bản pháp luật hiện hành ở Việt Nam chưa có định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng dựa trên khái niệm về hợp đồng (Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015), hợp đồng mua bán tài sản (Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015) và khái niệm mua bán hàng hóa (Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005), ta có thể đưa ra khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:

Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.

Căn cứ vào yếu tố chủ thể, đối tượng, nơi xác lập và thực hiện hợp đồng, hợp đồng mua bán hàng hóa được chia thành hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước và hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài (hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế).

II. Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa

Theo Điều 24 Luật Thương mại năm 2005, hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Các hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.

Về nguyên tắc, các bên được tự do lựa chọn hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa trừ những trường hợp pháp luật có quy định về hình thức cụ thể của hợp đồng.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (Khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại năm 2005). Các hình thức có giá trị pháp lý tương đương ở đây bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (Khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005).

III. Các nội dung cơ bản cần có trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Trong quá trình soạn thảo, rà soát để chuẩn bị cho việc ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên cần đảm bảo hợp đồng có các nội dung cơ bản như sau:

– Các bên ký kết trong hợp đồng mua bán hàng hóa;
– Đối tượng của hợp đồng;
– Giá hàng hóa;
– Các điều khoản về thanh toán;
– Các điều khoản về giao hàng;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Bảo hành hàng hóa;
– Cam kết, bảo đảm;
– Các trường hợp bất khả kháng;
– Các trường hợp miễn trách nhiệm;
– Thời hạn của hợp đồng mua bán hàng hóa;
– Các chế tài áp dụng;
– Chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hóa;
– Luật áp dụng và giải quyết tranh chấp.

Trên đây là nội dung bài viết “Hợp đồng mua bán hàng hóa – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề nào cần làm rõ, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng,