Trong môi trường kinh doanh thương mại, việc xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp là điều không thể tránh khỏi. Một trong những phương pháp giải quyết tranh chấp đó là thông qua tố tụng tại Tòa án. Vì vậy, việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Dưới đây là một số căn cứ quan trọng trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại của Tòa án.

1. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án

• Thẩm quyền gắn liền với quyền và nhiệm vụ mà pháp luật quy định đối với cơ quan nhà nước, người nắm giữ những chức vụ lãnh đạo, quản lí trong các cơ quan đó để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của họ. Thẩm quyền của Tòa án là quyền xem xét giải quyết vụ việc và quyền hạn ra các quyết định khi xem xét giải quyết các vụ việc đó theo thủ tục tố tụng của Tòa án.

• Căn cứ theo Khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 quy định, những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

• Nếu các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc trong trường hợp trong hợp đồng cũng như các bên không có thoả thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp thì tranh chấp được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền. Khi đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án được xác định như sau:

– Xác định thẩm quyền theo vụ việc: Thẩm quyền của Tòa án được xác định dựa trên vụ việc cụ thể. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án.

– Xác định thẩm quyền của Tòa án theo cấp xét xử: Thẩm quyền của Tòa án cũng được xác định theo cấp xét xử. Tùy thuộc vào loại tranh chấp và địa điểm đăng ký cư trú hoặc trụ sở của các bên liên quan, Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại.

– Xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ: Thẩm quyền của Tòa án có thể được xác định dựa trên nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc trụ sở của bị đơn. Trong trường hợp đơn vị bị đơn có nhiều địa điểm hoạt động, thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc trụ sở cuối cùng sẽ có thẩm quyền.

– Xác định thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của Nguyên đơn: Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dựa trên một số điều kiện cụ thể.

2. Xác định thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp có thỏa thuận Trọng tài

Khi có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại thì Tòa án sẽ xác định các bên có thoả thuận trọng tài hay không. Tòa án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện để xác định vụ tranh chấp đó không thuộc trường hợp có thoả thuận trọng tài.

Thông thường, khi các bên có thỏa thuận Trọng tài thì Trọng tài sẽ là cơ quan giải quyết trong trường hợp có tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, tranh chấp có thỏa thuận Trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác:

• Có quyết định của Tòa án hủy phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên.

• Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài quy định tại khoản 1 Điều 43 các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 59 Luật Trọng tài thương mại.

• Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.

• Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

• Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

• Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế

• Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.

Dù vậy, việc xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu hay thỏa thuận trọng tài không thực hiện được là thẩm quyền của trọng tài. Cụ thể, trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo cho các bên biết.

Căn cứ nội dung trên đây có thể xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp Hợp đồng thương mại trong một số trường hợp nhất định theo luật định.

Trên đây là những nội dung và chia sẻ pháp lý của TNTP về các căn cứ xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với bạn.

Trân trọng.