Hoạt động cho vay tín chấp đã xuất hiện từ lâu và nằm dưới sự điều chỉnh của pháp luật. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, việc cho vay tín chấp đã có nhiều biến tướng làm ảnh hưởng xấu tới ngành tiền tệ – tài chính. Cụ thể, có một số công ty tài chính đã cho tổ chức, cá nhân vay tín chấp. Tuy nhiên, khi đến hạn thanh toán mà người vay không trả được nợ thì các công ty này lại gọi điện cho những người quen của người vay để giục trả nợ thay mặc dù họ không phải là người vay và cũng không bảo lãnh việc thực hiện nghĩa vụ cho bên vay. Như vậy, việc các công ty tài chính khủng bố, gọi điện tới những người quen biết với bên vay để đòi nợ có hợp pháp hay không? Nếu không hợp pháp thì hành vi được coi là quấy rối để đòi nợ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Bài viết “Bị khủng bố, quấy rối để đòi nợ. Lúc này nên làm gì?” sẽ trả lời những câu hỏi trên.
Khái niệm vay tín chấp
Trong hoạt động ngân hàng – tài chính, vay tín chấp được hiểu là hình thức vay vốn không cần tài sản bảo đảm. Các tổ chức tín dụng sẽ dựa vào uy tín và mức thu nhập của người vay để cho vay. Ví dụ, các điều kiện đối với người vay tín chấp thường được quy định như sau:
- Uy tín của khách hàng: thể hiện qua hộ khẩu thường trú, địa vị xã hội, chức vụ trong công ty, nơi công tác, …
- Độ tuổi: trong độ tuổi lao động
- Thu nhập: Từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng/tháng trở lên, có hợp đồng lao động, sao kê lương hoặc xác nhận lương hàng tháng, …
Với điều kiện cho vay như trên, có thể thấy việc cho vay tín chấp chủ yếu áp dụng cho khách hàng là cá nhân, số tiền giải ngân không quá lớn và mục đích vay thường dành cho tiêu dùng, sinh hoạt.
Công ty tài chính có được gọi điện thúc giục, quấy rối những người quen biết với bên vay để đòi nợ không?
Trên thực tế, có nhiều trường hợp công ty tài chính cho vay tín chấp nhưng đến hạn người vay không trả. Khi đó, ngân hàng, công ty tài chính không gọi điện yêu cầu người vay trả tiền mà liên hệ với những người quen biết với người vay để yêu cầu trả hộ. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của những người quen biết với người vay mà còn trái với quy định của pháp luật.
Cụ thể, Khoản 7 Điều 1 Thông tư số 18/2019/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (“Thông tư 18”) quy định như sau:
- Công ty tài chính phải có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.
- Số lần nhắc nợ tối đa là 05 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ.
- Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với quy định trên, từ ngày 01/01/2020, các công ty tài chính không được gọi điện, cho những người quen biết với bên vay giục trả nợ thay bởi họ không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính. Ngoài ra, các hành động như gọi điện quá nhiều lần một ngày, đe dọa, đăng tải những hình ảnh, thông tin cá nhân của bên vay và những người quen biết với bên vay để xúc phạm, bôi nhọ danh dự nhằm ép bên vay và những người quen biết với bên vay phải trả nợ cũng là bất hợp pháp.
Công ty gọi điện, quấy rối những người quen biết với bên vay để đòi nợ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ vào Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (“Nghị định 15”), cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Do các công ty tài chính đã sử dụng các thông tin của người vay trong hợp đồng vay để thúc giục người quen của bên nợ trả thay nên điều này được coi là sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân sai mục đích theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thông tin của người vay mà không có sự đồng ý của người đó cũng vi phạm quy định nêu trên.
Như vậy, công ty tài chính có hành vi gọi điện, quấy rối những người quen biết với bên vay để đòi nợ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Người bị quấy rối, gọi điện giục nợ cần phải làm gì?
Khi bị các công ty tài chính gọi điện liên tục đòi trả nợ, căn cứ vào Khoản 15 Điều 1 Thông tư 18, người bị quấy rối có thể thực hiện các hành vi sau:
- Cách 1: Soạn Đơn khiếu nại gửi tới công ty tài chính đã quấy rối, gọi điện giục nợ để khiếu nại về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, về đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ.
- Cách 2: Gửi Đơn báo cáo tới cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm pháp luật của công ty tài chính.
Trên đây là những chia sẻ pháp lý về hành vi gọi điện, quấy rối giục nợ của công ty tài chính đối với người vay và những người quen biết với người vay. Từ ngày 01/01/2020, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN có hiệu lực pháp luật. Do đó, các công ty tài chính cần phải thận trọng và có những biện pháp hợp lý để yêu cầu người vay trả nợ theo quy định của pháp luật.
Trên đây là bài viết “Bị khủng bố quấy rối để đòi nợ”. Hy vong bài viết này có ích cho độc giả
Trân trọng.
Có thể bạn quan tâm đến: Những lưu ý khi thương lượng để giải quyết tranh chấp
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự
Tầng 4 số 200 Phố Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com