Skip to main content

Author: TNTP LAW

Chủ doanh nghiệp có phải chịu trách nhiệm với nợ doanh nghiệp không?

Trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp, khi đối tượng mua bán là các doanh nghiệp thì nhiều người thường nghĩ rằng nghĩa vụ thanh toán khoản nợ chỉ thuộc về doanh nghiệp mà không liên đới đến trách nhiệm cá nhân của những người điều hành doanh nghiệp đó. Tuy nhiên trên thực tế tùy vào từng trường hợp cụ thể mà chủ doanh nghiệp sẽ phải thanh toán khoản nợ bằng chính nguồn tiền của mình. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về việc: “Chủ doanh nghiệp có phải chịu trách nhiệm với nợ doanh nghiệp hay không?”

1. Các khoản nợ gắn với chủ thể là doanh nghiệp

Theo quy định tại Luật thương mại 2005, khi các bên giao kết hợp đồng trong hoạt động thương mại thì bên bán hàng hóa/ bên cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho bên mua/ bên sử dụng dịch vụ và nhận thanh toán; bên mua hàng hóa/ bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận, hoặc sau khi đã hoàn tất sử dụng dịch. Theo đó, nghĩa vụ thanh toán khoản nợ sẽ thuộc về bên mua hàng hóa/ bên sử dụng dịch vụ tương ứng với giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ tại Hợp đồng/ thỏa thuận trước đó. Như vậy, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán các giá trị hàng hóa, dịch vụ này đúng hạn đã cam kết thì đây sẽ là các khoản nợ gắn với chủ thể là doanh nghiệp.

Ngoài các khoản nợ do doanh nghiệp mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ thì còn một khoản nợ gắn với chủ thể là doanh nghiệp khác là các khoản tiền vay của các tổ chức tín dụng hoặc từ các cá nhân, tổ chức khác. Các khoản nợ này thường phát sinh bởi các hợp đồng vay với mục đích phục vụ các hoạt động nhất định của doanh nghiệp. Khi đó, chủ thể có nghĩa vụ thanh toán sẽ là doanh nghiệp với xác nhận của người đại diện hoặc được ủy quyền của doanh nghiệp đó.

2. Trách nhiệm thanh toán khoản nợ của doanh nghiệp?

a) Các trường hợp Chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ doanh nghiệp

– Theo quy định tại Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020, các thành viên hợp danh là cá nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty hợp danh, bao gồm nghĩa vụ thanh toán khoản nợ doanh nghiệp.

– Ngoài ra, theo định tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp tư nhân cũng là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả các nghĩa vụ thanh toán khoản nợ doanh nghiệp.

Như vậy theo quy định của pháp luật, có hai loại hình doanh nghiệp là Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân mà khi đó chủ doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ thanh toán khoản nợ của doanh nghiệp. Đây là lý do tại sao các loại hình doanh nghiệp này thường ít được những nhà đầu tư lựa chọn để thành lập doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

b) Các trường hợp chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ.

– Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các loại hình doanh nghiệp còn lại bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viêc, Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên; và Công ty cổ phần đều quy định tính chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi phần vốn góp, vốn điều lệ của doanh nghiệp.

– Trong các loại hình doanh nghiệp trên, trường hợp doanh nghiệp phát sinh các khoản nợ trong hoạt động kinh doanh của mình thì chủ doanh nghiệp sẽ chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn, cụ thể là trong phạm vi phần vốn góp, vốn điều lệ của doanh nghiệp. Nói cách khác, trong các trường hợp này thì các khoản nợ của doanh nghiệp sẽ chỉ được thanh toán bằng tài sản của doanh nghiệp hoặc nguồn thu của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, chủ doanh nghiệp sẽ không phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ này bằng tài sản cá nhân của mình.

Đây là lý do chính khiến các loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần được các nhà đầu tư lựa chọn để tham gia hoạt động kinh doanh vì tính chịu trách nhiệm thấp. Tuy nhiên chính các loại hình công ty này thường dễ phát sinh nhiều khoản nợ xấu khó thu hồi vì khi doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán thì không có cách nào để chủ nợ có thể thu hồi được khoản nợ vì chủ doanh nghiệp và những người tham gia góp vốn sẽ không phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các khoản nợ của doanh nghiệp.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: Chủ doanh nghiệp có phải chịu trách nhiệm với nợ doanh nghiệp không? Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Trân trọng,

Quyền thu hồi nợ có thể được chuyển giao hay không?

Quyền thu hồi nợ là một quyền phát sinh giữa bên nợ và chủ nợ trong quan hệ dân sự, khi đó, chủ nợ sẽ có quyền yêu cầu bên nợ thanh toán, và ngược lại bên nợ sẽ có nghĩa vụ phải trả nợ cho chủ nợ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chủ nợ có thể chuyển quyền thu hồi nợ của mình cho một bên thứ ba khác thay mình thực hiện các công việc thu hồi nợ, điều này có thể dẫn đến sự thay đổi về chủ thể trong quan hệ dân sự cũng như các hậu quả pháp lý. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ phân tích về quyền thu hồi nợ có thể được chuyển giao hay không? và những hậu quả pháp lý khi các bên chuyển giao quyền thu hồi nợ.

1. Quyền thu hồi nợ theo quy định của pháp luật

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, mọi quan hệ dân sự đều bao gồm 2 nhóm chủ thể: Bên có quyền yêu cầu và Bên có nghĩa vụ. Trong đó, bên có quyền là bên được hưởng một giá trị, lợi ích vật chất từ bên có nghĩa vụ, hoặc được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện một công việc nhất định cho mình theo thỏa thuận giữa các bên nằm trong phạm vi pháp luật cho phép. Bên có nghĩa vụ là bên phải giao, cung cấp cho bên có quyền một giá trị, lợi ích vật chất, hoặc thực hiện một công việc nhất định cho bên có quyền theo thỏa thuận giữa các bên nằm trong phạm vi cho phép của pháp luật.

Như vậy, trong lĩnh vực thu hồi nợ thì Chủ nợ sẽ là bên có quyền yêu cầu bên nợ phải thanh toán khoản nợ theo thỏa thuận giữa các bên- hay Quyền thu hồi nợ, và Bên nợ có nghĩa vụ phải thanh toán khoản nợ này cho Chủ nợ. Như vậy, quyền thu hồi nợ là một Quyền yêu cầu gắn với tư cách chủ thể của Chủ nợ trong quan hệ dân sự và được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự.

2. Chuyển giao Quyền thu hồi nợ

– Tại Điều 365 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao quyền yêu cầu như sau:

Điều 365. Chuyển giao quyền yêu cầu
1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.
2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.

Theo quy định trên có thể thấy, khi bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ chuyển giao quyền yêu cầu này cho một bên thứ ba khác (gọi là người thế quyền), thì người thế quyền này sẽ trở thành bên có quyền yêu cầu. Như vậy, tư cách chủ thể của người có quyền yêu cầu sẽ được chuyển sang cho người thế quyền đi kèm với sự thay đổi về quyền và nghĩa vụ tương ứng.

Tuy nhiên, việc chuyển giao quyền yêu cầu không được thực hiện trong 02 trường hợp: (i) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín; và (ii) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu. Như vậy,có thể thấy nếu việc chuyển giao Quyền yêu cầu là Quyền thu hồi nợ không nằm trong 02 trường hợp không được thực hiện trên thì sẽ được pháp luật công nhận việc chuyển giao.

– Ngoài ra theo quy định trên thì việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, nhưng Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, trường hợp Chủ nợ chuyển giao quyền thu hồi nợ cho một Người thế quyền thì việc chuyển giao quyền thu hồi nợ không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ là Bên nợ, tuy nhiên Chủ nợ cần phải thông báo bằng văn bản cho Bên nợ về việc chuyển giao Quyền thu hồi nợ cho Người thế quyền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác để Bên nợ biết về việc chuyển giao quyền này.

Từ những nội dung trên, có thể thấy Quyền thu hồi nợ có thể được chuyển giao cho Bên thế quyền với điều kiện là việc chuyển quyền này phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Khi đó, sau khi hoàn tất việc chuyển giao quyền thu hồi nợ thì Bên thế quyền sẽ có quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để yêu cầu Bên nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ với mình.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Quyền thu hồi nợ có thể được chuyển giao hay không?” Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Trân trọng,

Tín chấp – Những nội dung cơ bản cần biết

Bộ luật Dân sự 2015 quy định tín chấp là một biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Mục đích trực tiếp của bảo đảm bằng tín chấp là giúp những cá nhân, hộ gia đình nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tiến hành sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng mà không cần phải có tài sản bảo đảm, tránh cho các chủ thể này phải vay từ nguồn có lãi suất rất cao khi có nhu cầu vay vốn. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: Biện pháp tín chấp.

1. Khái niệm tín chấp

Tín chấp là việc tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở bảo đảm cho các nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

2. Hình thức, nội dung, điều kiện có hiệu lực của tín chấp

• Về hình thức, thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn (Điều 345 Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”)).

Bên bảo đảm bằng tín chấp là tổ chức ở xã, phường, thị trấn của Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Công đoàn cơ sở, trừ trường hợp Điều lệ của tổ chức này quy định khác.

• Về nội dung, thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp.

• Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp được coi là giao dịch dân sự, nên để thỏa thuận này phát sinh hiệu lực, các bên cần tuân thủ quy định tại Điều 117 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, chủ thể tham gia vào thỏa thuận phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với thỏa thuận được xác lập, chủ thể tham gia thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Đồng thời, các bên cần tuân thủ quy định về hình thức của thỏa thuận (đã được nêu ở trên).

3. Quyền, nghĩa vụ của bên bảo đảm bằng tín chấp

Bên bảo đảm bằng tín chấp có quyền, nghĩa vụ sau:

• Chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng cho vay để giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người vay; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn;

• Xác nhận theo yêu cầu của tổ chức tín dụng cho vay về điều kiện, hoàn cảnh của người vay khi vay vốn;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

4. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng cho vay

Tổ chức tín dụng cho vay có quyền, nghĩa vụ sau:

• Yêu cầu bên bảo đảm bằng tín chấp phối hợp trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ;

• Phối hợp với bên bảo đảm bằng tín chấp trong việc cho vay và thu hồi nợ;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

5. Quyền, nghĩa vụ của người vay

Người vay có quyền, nghĩa vụ sau:

• Sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống hoặc tiêu dùng phù hợp với mục đích vay;

• Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng cho vay và bên bảo đảm bằng tín chấp kiểm tra việc sử dụng vốn vay;

• Trả nợ đầy đủ gốc và lãi vay (nếu có) đúng hạn cho tổ chức tín dụng cho vay;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Trên đây là bài viết “Tín chấp – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Bản tin pháp luật (Legal Newsletter) tháng 12/2023

Kính gửi Quý độc giả,

Chúng tôi trân trọng giới thiệu với quý độc giả Bản tin pháp luật (Legal Newsletter) tổng hợp các văn bản pháp luật chính trong tháng 12/2023 bao gồm:

– Những điểm nổi bật của Thông tư số 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp;

– Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2023 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

– Bài viết phân tích pháp lý về Án lệ số 25/2018/AL về không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan.

Tải Bản tin pháp lý

Chúng tôi hy vọng rằng các Bản tin pháp luật này sẽ đem lại giá trị hữu ích, đảm bảo việc cập nhật các văn bản pháp lý có giá trị với độc giả trong quá trình hành nghề và trong cuộc sống.

Trân trọng

Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định pháp luật

Quan hệ bảo lãnh phát sinh theo sự thỏa thuận giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh thông qua hợp đồng bảo lãnh. Dựa trên các quy định về pháp luật của bảo lãnh, bảo lãnh được thực hiện theo nguyên tắc là i) Bảo lãnh có điều kiện khi bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; ii) Bảo lãnh không điều kiện trong trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ và không có thỏa thuận khác. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày cụ thể hơn về thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định pháp luật.

1. Căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Căn cứ Khoản 1 Điều 44 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi nghĩa vụ được bảo lãnh bị vi phạm theo một trong các căn cứ sau đây:

• Do bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn hoặc không thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn theo thỏa thuận hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ;

• Do bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

• Căn cứ khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

2. Nội dung của thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

• Trường hợp có căn cứ, bên nhận bảo lãnh thông báo cho bên bảo lãnh biết để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Bên bảo lãnh có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp căn cứ được bên nhận bảo lãnh thông báo không thuộc phạm vi cam kết bảo lãnh.

• Bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong thời hạn thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên bảo lãnh phải thực hiện trong thời hạn hợp lý kể từ thời điểm nhận được thông báo của bên nhận bảo lãnh.

• Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh phải thông báo cho bên được bảo lãnh biết. Trường hợp bên được bảo lãnh vẫn thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh thì bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên nhận bảo lãnh hoàn trả cho mình tài sản đã nhận hoặc giá trị tương ứng phần nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện.

• Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

3. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

• Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

• Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

• Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

4. Chấm dứt thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

• Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

• Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

• Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

• Theo thỏa thuận của các bên.

Trên đây là bài viết “Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định pháp luật” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Những nội dung cơ bản cần biết về ký quỹ

Ký quỹ là biện pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Thông thường, bên có nghĩa vụ sẽ gửi một khoản tiền vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng, trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bị vi phạm thì tổ chức tín dụng sẽ sử dụng tiền ký quỹ để thanh toán nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại cho bên có quyền sau khi trừ phí dịch vụ. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: biện pháp ký quỹ.

1. Khái niệm ký quỹ

Căn cứ Khoản 1 Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”) thì Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

Theo quy định trên thì tài sản không được sử dụng để ký quỹ bao gồm: động sản, ngoại trừ kim khí quý hoặc đá quý, bất động sản và quyền tài sản. Ba bên tham gia vào giao dịch ký quỹ bao gồm bên có nghĩa vụ (bên ký quỹ), bên có quyền (bên có quyền trong ký quỹ) và tổ chức tín dụng.

Hiệu lực đối kháng của biện pháp ký quỹ với người thứ ba phát sinh từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.

2. Điều kiện có hiệu lực của ký quỹ

Hợp đồng ký quỹ được coi là giao dịch dân sự, nên để hợp đồng này phát sinh hiệu lực, các bên cần tuân thủ quy định tại Điều 117 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, chủ thể tham gia vào hợp đồng phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập, chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Mặc dù BLDS không quy định cụ thể về hình thức của ký quỹ, tuy nhiên trường hợp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về hình thức của ký quỹ, các bên cần tuân thủ quy định này để hợp đồng ký quỹ phát sinh hiệu lực.

3. Việc gửi, thanh toán tiền được dùng để ký quỹ

• Khoản tiền được dùng để ký quỹ (sau đây gọi là tiền ký quỹ) được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng theo thỏa thuận hoặc do bên có quyền chỉ định để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

• Tiền ký quỹ và việc ký quỹ một lần hoặc nhiều lần do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.

• Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

4. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ

Tổ chức tín dụng nơi ký quỹ có quyền, nghĩa vụ như sau:

• Hưởng phí dịch vụ;

• Yêu cầu bên có quyền thực hiện đúng thỏa thuận về ký quỹ để được thanh toán nghĩa vụ từ tiền ký quỹ;

• Thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền trong phạm vi tiền ký quỹ;

• Hoàn trả tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

5. Quyền, nghĩa vụ của bên ký quỹ

Bên ký quỹ có quyền, nghĩa vụ như sau:

• Thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ về điều kiện thanh toán theo đúng cam kết với bên có quyền;

• Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ; được trả lãi trong trường hợp có thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ;

• Rút bớt, bổ sung tiền ký quỹ hoặc đưa tiền ký quỹ tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp bên có quyền đồng ý;

• Nộp đủ tiền ký quỹ tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

6. Quyền, nghĩa vụ của bên có quyền trong ký quỹ

Bên có quyền trong ký quỹ có quyền, nghĩa vụ như sau:

• Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán nghĩa vụ đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ;

• Thực hiện đúng thủ tục theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ trong trường hợp yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán nghĩa vụ đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Trên đây là bài viết “ Những nội dung cơ bản cần biết về ký quỹ” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Ký cược – Những nội dung cơ bản cần biết

Ký cược là biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản thuê là động sản trong hợp đồng thuê tài sản. Ngoài ra, ký cược còn nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê, cũng như nghĩa vụ hoàn trả tài sản bằng giá trị hoặc bằng vật thay thế có giá trị tương đương trong trường hợp người thuê không trả lại tài sản thuê. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: biện pháp ký cược.

1. Khái niệm ký cược

Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.

Như vậy, biện pháp ký cược chỉ được sử dụng để bảo đảm duy nhất cho nghĩa vụ trả lại tài sản thuê là động sản. Điều đó có nghĩa là các bên không được ký cược để bảo đảm nghĩa vụ đối với bất kỳ loại hợp đồng nào khác, kể cả hợp đồng thuê bất động sản.

Tài sản ký cược không bao gồm bất động sản, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Thông thường giá trị tài sản ký cược bằng giá trị tài sản thuê, tuy nhiên cũng có thể thấp hơn hoặc cao hơn giá trị tài sản thuê, tùy vào sự thỏa thuận của các bên.

2. Điều kiện có hiệu lực của ký cược

Hợp đồng ký cược được coi là giao dịch dân sự, nên để hợp đồng này phát sinh hiệu lực, các bên cần tuân thủ quy định tại Điều 117 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, chủ thể tham gia vào hợp đồng phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập, chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

3. Quyền, nghĩa vụ của bên ký cược

Bên ký cược có quyền, nghĩa vụ sau:

• Yêu cầu bên nhận ký cược ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc xác lập giao dịch dân sự đối với tài sản ký cược; thực hiện việc bảo quản, giữ gìn để tài sản ký cược không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;

• Trao đổi, thay thế tài sản ký cược hoặc đưa tài sản ký cược tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp được bên nhận ký cược đồng ý;

• Thanh toán cho bên nhận ký cược chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản ký cược. Chi phí hợp lý được hiểu là khoản chi thực tế cần thiết, hợp pháp tại thời điểm chi mà trong điều kiện bình thường bên nhận ký cược phải thanh toán để đảm bảo tài sản ký cược không bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;

• Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để bên nhận ký cược được sở hữu tài sản ký cược trong trường hợp bên ký cược vi phạm cam kết về giao kết, thực hiện hợp đồng;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do BLDS, luật khác liên quan quy định.

4. Quyền, nghĩa vụ của bên nhận ký cược

Bên nhận ký cược có quyền, nghĩa vụ sau:

• Yêu cầu bên ký cược chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc xác lập giao dịch dân sự khác đối với tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên nhận ký cược;

• Sở hữu tài sản ký cược trong trường hợp bên ký cược vi phạm cam kết về giao kết, thực hiện hợp đồng;

• Bảo quản, giữ gìn tài sản ký cược;

• Không xác lập giao dịch dân sự, khai thác, sử dụng tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên ký cược;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do BLDS, luật khác liên quan quy định.

5. Xử lý tài sản ký cược

Theo Khoản 2 Điều 329 BLDS, trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.

Ngoài phương thức xử lý tài sản ký cược theo quy định của pháp luật, các bên còn có thể thỏa thuận về những phương thức khác để xử lý tài sản ký cược. Ví dụ: Trường hợp bên thuê không hoàn trả tài sản thuê, bên cho thuê có quyền giữ lại tài sản ký cược và yêu cầu bên thuê bồi thường thiệt hại, trả khoản tiền chênh lệch nếu tài sản ký cược có giá trị thấp hơn tài sản thuê,…

Trên đây là bài viết “Ký cược – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Hướng dẫn soạn thảo những nội dung cơ bản của hợp đồng đặt cọc thuê nhà

Hợp đồng đặt cọc là một dạng thỏa thuận nhằm để ràng buộc các bên thực hiện một giao dịch dân sự khác. Trên thực tế, các bên có thể đặt cọc để đảm bảo việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, ký kết hợp đồng thuê nhà,… Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản mà các bên cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng đặt cọc thuê nhà.

1. Thông tin của các bên

Hợp đồng đặt cọc thuê nhà cần thể hiện rõ ràng và đầy đủ thông tin của các bên, bao gồm: Bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc. Nếu là cá nhân cần cung cấp các thông tin chi tiết như họ và tên, thông tin căn cước công dân, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, email,… Nếu là pháp nhân cần cung cấp tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số thuế và thông tin của người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện được ủy quyền ký kết hợp đồng.

2. Mục đích đặt cọc

Tại điều này, các bên cần thỏa thuận về mục đích đặt cọc, ví dụ như đặt cọc để đảm bảo việc ký kết hợp đồng thuê nhà. Đồng thời, các bên nên quy định những thông tin cơ bản về nhà cho thuê như: loại nhà; vị trí, địa chỉ nhà; quy mô của nhà (tổng diện tích sàn xây dựng, tổng diện tích sử dụng đất), kết cấu, số tầng, mục đích sử dụng.

3. Tài sản đặt cọc

Các bên cần quy định cụ thể về loại tài sản đặt cọc, giấy tờ về tài sản (nếu có), tổng giá trị tài sản đặt cọc do hai bên thỏa thuận. Các bên cần lưu ý về việc tài sản đặt cọc chỉ có thể là tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác. Thông thường, tài sản đặt cọc là tiền, trong trường hợp này, các bên cần quy định cụ thể về số tiền đặt cọc.

4. Phương thức và thời hạn thanh toán tiền đặt cọc

Các bên cần quy định về việc phương thức thanh toán và thời hạn thanh toán tiền đặt cọc. Phương thức thanh toán có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Trường hợp thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, thông tin tài khoản của bên nhận đặt cọc cần được quy định cụ thể. Đối với thời hạn thanh toán, các bên cần quy định về thời hạn cụ thể mà bên đặt cọc phải thanh toán cho bên nhận đặt cọc, ví dụ là 05 ngày kể từ ngày các bên ký kết hợp đồng đặt cọc.

5. Thỏa thuận đặt cọc

Các bên cần quy định các nội dung như thời hạn thuê, giá thuê, giao kết hợp đồng thuê nhà.

Đối với nội dung giá thuê, các bên nên quy định về giá thuê này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và các loại thuế, phí khác như tiền điện, nước, điện thoại, fax, internet, chi phí dịch vụ vệ sinh,… hay chưa và trách nhiệm chi trả các loại thuế, phí này thuộc về bên nào.

Đối với nội dung giao kết hợp đồng thuê nhà, các bên cần quy định về việc trong thời hạn cụ thể, các bên phải ký kết hợp đồng thuê nhà với những điều kiện và điều khoản được kế thừa từ sự thoả thuận của hợp đồng đặt cọc này.

Các bên cần quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp một trong hai bên không ký kết hợp đồng thuê nhà, cụ thể như sau: Trường hợp quá thời hạn mà bên đặt cọc không ký kết hợp đồng, coi như bên đặt cọc đã từ chối giao kết hợp đồng thuê nhà và bên nhận đặt cọc có quyền cho một bên khác thuê; bên đặt cọc không được trả lại số tiền đã đặt cọc. Ngược lại, nếu bên nhận đặt cọc không ký kết hợp đồng thuê nhà thì phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền bằng số tiền đã đặt cọc cho bên đặt cọc.

Các bên cần thỏa thuận về việc xử lý số tiền đặt cọc sau khi các bên ký kết hợp đồng thuê nhà. Các bên có thể lựa chọn một trong hai hướng xử lý sau: tổng số tiền đặt cọc sẽ được cấn trừ vào tiền thanh toán theo hợp đồng thuê nhà hoặc được trả lại khi các bên giao kết hợp đồng thuê nhà.

6. Sự kiện bất khả kháng

Đối với loại hợp đồng này, các bên nên thỏa thuận về điều khoản bất khả kháng như định nghĩa về sự kiện bất khả kháng, trách nhiệm của bên gặp phải sự kiện bất khả kháng và miễn trừ trách nhiệm của bên gặp phải sự kiện bất khả kháng.

7. Hiệu lực và chấm dứt hợp đồng

Các bên cần thỏa thuận về thời hạn hợp đồng có hiệu lực, các trường hợp mà hợp đồng sẽ chấm dứt và hậu quả pháp lý khi hợp đồng chấm dứt. Ví dụ, các bên có thể thỏa thuận những trường hợp mà hợp đồng sẽ chấm dứt trước thời hạn bao gồm: i) Các bên đồng ý chấm dứt bằng văn bản; ii) Nếu bất cứ vi phạm hợp đồng nào không được khắc phục trong thời hạn cụ thể kể từ ngày nhận được yêu cầu khắc phục từ bên không vi phạm. Trong trường hợp này, bên không vi phạm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bằng cách gửi văn bản thông báo cho bên vi phạm; iii) Nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá một số ngày cụ thể kể từ ngày phát sinh, hợp đồng này có thể được chấm dứt dựa trên văn bản thông báo của một bên cho bên còn lại.

8. Giải quyết tranh chấp

Đối với điều khoản này, các bên cần thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài (cần lưu ý về điều kiện để được giải quyết tranh chấp tại Trọng tài). Thông thường, các bên sẽ lựa chọn việc thương lượng để giải quyết tranh chấp khi tranh chấp mới phát sinh, trường hợp thương lượng không thành, các bên sẽ khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Trên đây là nội dung bài viết “Hướng dẫn soạn thảo những nội dung cơ bản của hợp đồng đặt cọc thuê nhà”. Hi vọng những chia sẻ nêu trên hữu ích đối với những ai quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,

Chế tài trong thương mại: Buộc bồi thường thiệt hại

Buộc bồi thường thiệt hại (BTTH) do vi phạm hợp đồng là biện pháp pháp lý quan trọng có vai trò bù đắp cho bên bị thiệt hại (bên có quyền) những tổn thất là hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng. Để vận dụng chế tài buộc bồi thường thiệt hại phù hợp với mục đích và quy định pháp luật, các bên cần tìm hiểu về những nội dung như thiệt hại được bồi thường, căn cứ áp dụng biện pháp BTTH, xác định mức BTTH, các trường hợp được miễn trách nhiệm BTTH,… Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản mà các bên cần lưu ý khi áp dụng chế tài buộc bồi thường thiệt hại.

1. Khái niệm bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

Giá trị BTTH bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của LTM (“Luật Thương mại năm 2005”), trách nhiệm BTTH phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

• Có hành vi vi phạm hợp đồng. Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của LTM.

• Có thiệt hại thực tế. Thiệt hại là bất kỳ tổn thất nào mà một người phải gánh chịu do các quyền, tài sản và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hay nói cách khác thiệt hại là bất kỳ sự thay đổi tiêu cực nào đối với các quyền, tài sản và lợi ích hợp pháp của bên có quyền.

• Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

3. Nghĩa vụ của bên yêu cầu bồi thường thiệt hại

• Nghĩa vụ chứng minh tổn thất

Bên yêu cầu BTTH phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

• Nghĩa vụ hạn chế tổn thất

Bên yêu cầu BTTH phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu BTTH không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị BTTH bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.

4. Quyền của các bên khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại

• Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán

Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

• Quyền yêu cầu BTTH khi đã áp dụng các chế tài khác

Một bên không bị mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do vi phạm hợp đồng của bên kia khi đã áp dụng các chế tài khác.

5. Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại

• Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu BTTH, trừ trường hợp LTM có quy định khác.

• Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp LTM có quy định khác.

Trên đây là bài viết “Chế tài trong thương mại: Buộc bồi thường thiệt hại” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Cầm giữ tài sản – Những nội dung cơ bản cần biết

Bộ luật Dân sự 2015 quy định cầm giữ tài sản là một biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cầm giữ tài sản là một cơ chế pháp lý để bảo vệ bên có quyền được thanh toán trong các hợp đồng mà hai bên đều có nghĩa vụ. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: biện pháp cầm giữ tài sản.

1. Khái niệm cầm giữ tài sản

Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên có nghĩa vụ đối với nhau.

2. Hiệu lực của cầm giữ tài sản

• Thời điểm phát sinh hiệu lực ràng buộc giữa các bên trong quan hệ cầm giữ là thời điểm một bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ mà đối tượng của hợp đồng là tài sản của bên vi phạm nghĩa vụ.

• Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng: Khoản 2 Điều 347 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rằng cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản. Theo quy định này, thời điểm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba của người cầm giữ được xác định theo thực tế chiếm giữ tài sản mà hoàn toàn không phụ thuộc vào việc đăng ký biện pháp cầm giữ. Tuy nhiên, thực tế chiếm giữ tài sản cũng bắt đầu từ thời điểm bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ nên hiệu lực ràng buộc giữa các bên và hiệu lực đối kháng phát sinh vào cùng một thời điểm.

3. Quyền, nghĩa vụ của bên cầm giữ tài sản

Bên cầm giữ tài sản có quyền, nghĩa vụ sau:

• Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ.

• Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ.

• Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.

• Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ.

• Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ.

• Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

• Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện.

• Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.

4. Thực hiện quyền cầm giữ

• Bên cầm giữ chỉ được cầm giữ tài sản hoặc phần tài sản liên quan trực tiếp đến phần nghĩa vụ bị vi phạm. Trường hợp đối tượng của phần nghĩa vụ bị vi phạm bao gồm nhiều tài sản thì bên cầm giữ có quyền lựa chọn tài sản để cầm giữ.

• Đối tượng của nghĩa vụ bị vi phạm là công việc để tạo ra sản phẩm thì bên cầm giữ chiếm giữ sản phẩm được tạo ra hoặc nguyên vật liệu để tạo ra sản phẩm. Trường hợp đối tượng của nghĩa vụ bị vi phạm là công việc không tạo ra sản phẩm thì bên cầm giữ chiếm giữ công cụ, phương tiện được bên có nghĩa vụ giao để thực hiện công việc.

• Tài sản cầm giữ phát sinh hoa lợi không phải là kết quả của việc khai thác tài sản cầm giữ thì bên cầm giữ phải giao lại hoa lợi này cho bên có nghĩa vụ. Trường hợp bên cầm giữ đang quản lý hoa lợi mà đối tượng của nghĩa vụ đã được giao cho bên có nghĩa vụ trước thời điểm người này vi phạm nghĩa vụ thì bên cầm giữ chiếm giữ hoa lợi cho đến khi nghĩa vụ đối với bên cầm giữ đã được hoàn thành.

5. Chấm dứt cầm giữ tài sản

Cầm giữ tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:

(i) Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế.

(ii) Các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ.

(iii) Nghĩa vụ đã được thực hiện xong.

(iv) Tài sản cầm giữ không còn.

(v) Theo thỏa thuận của các bên.

6. Bảo đảm quyền cầm giữ

• Trường hợp cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan yêu cầu bên cầm giữ giao tài sản cầm giữ để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật thì việc giao tài sản cầm giữ trong trường hợp này không phải là căn cứ chấm dứt cầm giữ.

• Trường hợp chủ sở hữu tài sản hoặc người có quyền khác đưa tài sản đang bị cầm giữ vào giao dịch dân sự thì bên cầm giữ không có nghĩa vụ giao tài sản cho bên tham gia giao dịch dân sự đó, trừ trường hợp:

(i) Nghĩa vụ đối với bên cầm giữ đã được hoàn thành;

(ii) Nghĩa vụ đối với bên cầm giữ chưa được hoàn thành nhưng thuộc trường hợp cầm giữ tài sản chấm dứt quy định tại các trường hợp (i), (ii) hoặc (v) được nêu tại Phần 5 của bài viết này.

Trên đây là bài viết “Cầm giữ tài sản – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự

  • Văn phòng tại Hồ Chí Minh:
    Phòng 1901, Tầng 19 Tòa nhà Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng tại Hà Nội:
    Số 2, Ngõ 308 Tây Sơn, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Email: ha.nguyen@tntplaw.com


    Bản quyền thuộc về: Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự