Trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm nói chung và thủ tục xử lý tài sản thế chấp nói riêng được quy định tại BLDS 2015 và Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày các bước cụ thể để xử lý tài sản thế chấp.
1. Bước 1: Thông báo về xử lý tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ
Điều 300 BLDS 2015 đã quy định về thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, theo đó, trước khi xử lý tài sản thế chấp, bên nhận thế chấp phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản thế chấp cho bên thế chấp và các bên cùng nhận thế chấp khác. Hiện pháp luật chưa có quy định hướng dẫn về việc thời hạn như thế nào được xem là hợp lý, do vậy các bên nên quy định cụ thể về thời hạn thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp trong hợp đồng thế chấp tài sản.
Nội dung chủ yếu của văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp được quy định tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, bao gồm: Lý do xử lý tài sản bảo đảm; Tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý; Thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.
2. Bước 2: Giao tài sản thế chấp để xử lý
Theo quy định tại Điều 301 BLDS 2015, người đang giữ tài sản thế chấp có nghĩa vụ giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản thế chấp. Trong trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, việc giao tài sản thế chấp phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của bên thế chấp/ bên giữ tài sản thế chấp. Trường hợp bên thế chấp/ bên giữ tài sản có thái độ không hợp tác trong việc giao tài sản thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng.
3. Bước 3: Thanh toán bảo đảm nghĩa vụ
Số tiền thu được tử việc xử lý tài sản thế chấp sau khi trừ đi các chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản thế chấp sẽ được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 BLDS 2015.
i) Trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản thế chấp sau khi trừ đi các chi phí trên lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch sẽ được trả cho bên thế chấp.
ii) Trường hợp số tiền thu được nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.
Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Khi một tài sản thế chấp được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận thế chấp được xác định như sau:
i) Trường hợp các bên nhận thế chấp đều đăng ký biện pháp thế chấp đúng quy định pháp luật thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự thực hiện việc đăng ký;
ii) Trường hợp có bên đăng ký biện pháp thế chấp đúng quy định pháp luật, có bên không đăng ký biện pháp thế chấp hoặc đăng ký không đúng quy định pháp luật thì bên đăng ký biện pháp thế chấp đúng quy định pháp luật sẽ được ưu tiên thanh toán;
iii) Trường hợp các bên nhận thế chấp đều không đăng ký biện pháp thế chấp hoặc đăng ký không đúng quy định pháp luật thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp thế chấp.
Thứ tự ưu tiên thanh toán nêu trên có thể thay đổi nếu các bên cùng nhận thế chấp có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.
4. Bước 4: Chuyển quyền sở hữu tài sản
Sau khi hoàn thành việc bán hoặc chuyển nhượng tài sản thế chấp cho bên khác (có thể là bên nhận thế chấp hoặc bên thứ ba), chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản.
Trên đây là bài viết của TNTP về “Quy định pháp luật về trình tự, thủ tục xử lý tài sản thế chấp”. Hy vọng bài viết này hữu ích với độc giả.
Trân trọng,