Trong môi trường pháp lý hiện đại, việc sử dụng “hợp đồng giả cách” không phải là hiếm gặp, đặc biệt trong các giao dịch kinh tế phức tạp. Tuy nhiên, việc sử dụng hợp đồng giả cách tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý và có thể dẫn đến nhiều tranh chấp giữa các bên liên quan. Bài viết này TNTP sẽ phân tích về Một số tranh chấp thường phát sinh từ “hợp đồng giả cách”
1. Hợp đồng giả cách là gì?
• Theo quy định pháp luận hiện nay không có khái niệm hay định nghĩa về hợp đồng giả cách. Tuy nhiên có thể hiểu hợp đồng giả cách (hay hợp đồng giả tạo) là một loại hợp đồng mà các bên tham gia cố ý tạo ra một thỏa thuận nhằm che giấu một giao dịch thực sự khác. Thường thì mục đích của việc làm này là để trốn tránh nghĩa vụ pháp lý, giảm thiểu chi phí thuế hoặc đạt được những mục đích không hợp pháp khác. Hợp đồng giả cách có thể mang tính chất che đậy, chuyển nhượng, tặng cho hoặc các giao dịch khác nhưng lại được thể hiện dưới một hình thức khác.
• Pháp luật hiện hành chưa có những quy định chi tiết về việc xử lý đối với hợp đồng giả cách. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định pháp luật.
Việc sử dụng hợp đồng giả cách, mặc dù có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho các bên tham gia nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Sự mập mờ trong các giao dịch này không chỉ ảnh hưởng đến tính minh bạch mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho các bên liên quan khi tranh chấp xảy ra.
2. Các loại hợp đồng giả cách thường gặp
• Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng giả cách: Thường được sử dụng để che giấu giá trị thực tế của việc chuyển nhượng tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài chính. Ví dụ: trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm trốn tránh các nghĩa vụ tài chính với nhà nước các bên thường lập hai hợp đồng mua bán. Trong đó hợp đồng giả cách sẽ ghi nhận giá trị chuyển nhượng thấp hơn thực tế nhằm giảm bớt các khoản thuế phí phải đóng theo quy định.
• Hợp đồng vay mượn giả cách: Hợp đồng vay mượn giả cách thường được sử dụng để che đậy các giao dịch cho vay nặng lãi hoặc trốn thuế. Trong trường hợp này, một khoản vay lớn có thể được giả cách dưới dạng hợp đồng vay mượn với các điều kiện không giống như trên thực tế.
Ví dụ: một người có thể ký kết một hợp đồng vay mượn tiền nhưng thực tế là để che giấu một giao dịch mua bán bất động sản nhằm trốn thuế hoặc tránh các quy định pháp lý khác. Trong trường hợp này, hợp đồng vay mượn chỉ là bề ngoài, còn mục đích thực sự của các bên là giao dịch mua bán bất động sản.
• Hợp đồng thuê mượn tài sản giả cách: Hợp đồng thuê mượn tài sản giả cách có thể nhằm che đậy việc chuyển nhượng tài sản hoặc nhằm đạt được mục đích không hợp pháp khác. Ví dụ: một công ty có thể giả cách thuê mượn tài sản để tránh các quy định pháp lý về chuyển nhượng tài sản.
3. Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng giả cách và rủi ro gặp phải
• Tranh chấp về tính hợp pháp của hợp đồng: Một trong những tranh chấp phổ biến nhất là việc xác định tính hợp pháp của hợp đồng. Khi hợp đồng bị phát hiện là giả tạo, tranh chấp thường xoay quanh việc xác định hợp đồng nào là hợp pháp và có hiệu lực. Ví dụ: Sau khi giao kết một hợp đồng giả tạo nhằm che giấu việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, một bên phát hiện giá trị của mảnh đất đã tăng lên đáng kể. Bên này có thể khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng trước đó vô hiệu với mục đính để trả lại tiền và đòi lại quyền sử dụng mảnh đất.
• Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên: Khi hợp đồng giả cách bị phát hiện và tuyên bố vô hiệu. Khi đó một trong các bên thường sẽ bị ảnh hưởng đến quyền lợi và tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên thường phát sinh.
• Tranh chấp về bồi thường thiệt hai: Trong nhiều trường hợp, một bên có thể phải chịu thiệt hại do việc hợp đồng giả cách bị vô hiệu. Khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu, bên bị thiệt hại thường yêu cầu bồi thường, dẫn đến các tranh chấp phức tạp về việc xác định mức thiệt hại và trách nhiệm bồi thường.
• Chiếm đoạt tài sản: Có không ít những vụ việc các bên sử dụng hợp đồng chuyển nhượng nhằm che giấu cho việc thực hiện các khoản vay. Và sau đó bên nhận chuyển nhượng đã chiếm đoạt tài sản được thế chấp.
Việc giao kết hợp đồng giả cách gây ra không ít khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp. Vì trên thực tế các vụ án liên quan đến hợp đồng giả cách rất khó xử lý, nguyên nhân thường vì mục đích thực sự mà các bên tham gia hợp đồng đã thỏa thuận thường được che giấu kỹ lưỡng, tinh vi.
4. Giải pháp để giảm thiểu tranh chấp
• Tư vấn pháp lý chuyên nghiệp: Trước khi ký kết bất kỳ hợp đồng nào, các bên nên tìm kiếm sự tư vấn của luật sư hoặc các chuyên gia pháp lý để đảm bảo tính hợp pháp của hợp đồng và hiểu rõ các rủi ro pháp lý tiềm ẩn. Luật sư có thể giúp đánh giá hợp đồng, phát hiện các điểm mâu thuẫn và đưa ra các giải pháp pháp lý phù hợp.
• Tuân thủ quy định pháp luật: Việc tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành là điều kiện tiên quyết để tránh các tranh chấp liên quan đến hợp đồng giả cách. Các bên cần nắm rõ và thực hiện đúng các quy định về thuế, chuyển nhượng tài sản và các nghĩa vụ pháp lý khác.
• Thực hiện các giao dịch một cách minh bạch hợp pháp: Các giao dịch giữa các bên nên được thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng và trung thực. Điều này không chỉ giúp tránh các hiểu lầm và tranh chấp sau này mà còn tạo nên sự tin tưởng và hợp tác lâu dài giữa các bên.
Hợp đồng giả cách là một hiện tượng phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Việc hiểu rõ về bản chất của loại hợp đồng này và những tranh chấp có thể phát sinh sẽ giúp các bên tham gia giao dịch có thể phòng tránh và giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả. Hãy luôn tìm kiếm sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý để đảm bảo quyền lợi của mình trong mọi giao dịch.
Trên đây là bài viết “Một số tranh chấp phát sinh từ “hợp đồng giả cách”” mà TNTP gửi đến Quý bạn đọc. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Qúy bạn đọc.
Trân trọng,