Hoạt động cho vay của các tổ chức, cá nhân luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi nhiều nguyên nhân như bên vay không trả nợ, trả nợ không đầy đủ, không đúng hạn, bên vay mất khả năng thanh toán,… Để hạn chế phần nào các rủi ro này, bên cho vay thường yêu cầu bên vay thực hiện các biện pháp bảo đảm kèm theo như cầm cố, thế chấp tài sản, bảo lãnh của người thứ ba,… Trong các biện pháp này, thế chấp tài sản là biện pháp thường được bên cho vay lựa chọn. Để áp dụng biện pháp này, các bên phải ký kết hợp đồng thế chấp tài sản. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày những nội dung mà các bên cần lưu ý khi ký kết hợp đồng thế chấp tài sản.
1. Hình thức của hợp đồng thế chấp tài sản
Khoản 1 Điều 319 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng “Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Như vậy, quy định nêu trên đã ngầm khẳng định việc thế chấp tài sản chỉ được ghi nhận nếu các bên ký kết hợp đồng thế chấp. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình thì bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp.
Trên thực tế, nội dung về thế chấp tài sản có thể được lập thành văn bản riêng rẽ (thường gọi là hợp đồng thế chấp) hoặc được ghi nhận dưới dạng các điều khoản trong hợp đồng chính (hợp đồng vay tài sản). Tuy nhiên, đối với một số loại tài sản thế chấp, pháp luật có quy định về việc văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm nên các bên thường ưu tiên lập hợp đồng thế chấp. Ví dụ, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
2. Nội dung của hợp đồng thế chấp tài sản
Pháp luật hiện hành không có quy định về các nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng thế chấp. Do vậy, các bên sẽ quy định những điều khoản phù hợp với hoàn cảnh và tình hình thực tế của mình. Những điều khoản cơ bản nên có trong hợp đồng thế chấp bao gồm:
• Thông tin của bên thế chấp và bên nhận thế chấp;
• Thông tin tài sản thế chấp như loại tài sản thế chấp, số lượng, giá trị tài sản thế chấp;
• Thông tin về khoản vay theo Hợp đồng cho vay tài sản được bên thế chấp bảo đảm thực hiện;
• Quyền và nghĩa vụ của các bên;
• Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
• Phương thức giải quyết tranh chấp;
• Xử lý tài sản thế chấp;
• Các trường hợp chấm dứt hợp đồng thế chấp tài sản và hậu quả pháp lý;
• Hiệu lực của hợp đồng; …
3. Hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản và hiệu lực đối kháng với bên thứ ba
Căn cứ Khoản 1 Điều 319 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 22 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác như các quy định về công chứng, chứng thực. Biện pháp thế chấp chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng thế chấp.
Theo đó, biện pháp thế chấp chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng thế chấp đã có hiệu lực pháp luật. Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba là thời điểm đăng ký. Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định các trường hợp phải đăng ký và các trường hợp đăng ký theo yêu cầu liên quan đến thế chấp tài sản. Các trường hợp thế chấp phải đăng ký bao gồm: thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển,… Đối với các loại tài sản khác, các bên có quyền thỏa thuận về việc có đăng ký biện pháp thế chấp hay không.
Hợp đồng thế chấp tài sản sẽ chấm dứt hiệu lực khi xảy ra một trong các sự kiện như: (i) Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt; (ii) Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; (iii) Tài sản thế chấp đã được xử lý; và (iv) Các trường hợp khác theo thỏa thuận của các bên.
Trên đây là bài viết “Những nội dung cần lưu ý khi giao kết hợp đồng thế chấp tài sản”. Trường hợp độc giả có bất kỳ vấn đề nào cần trao đổi với TNTP, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng,