Trong quy luật vận hành của xã hội, tranh chấp luôn là điều khó tránh khỏi. Việc xử lý các tranh chấp không chỉ là một vấn đề phức tạp mà còn là trọng tâm của sự công bằng và ổn định xã hội. Trên thực tế, khi có tranh chấp diễn ra có rất nhiều phương pháp giải quyết tranh chấp khác nhau. Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng, việc chọn lựa phương pháp phù hợp có thể ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giải quyết và kết quả của vụ án. Tuy nhiên, phương pháp hòa giải, đối thoại lại chưa được nhiều người chú ý đến so với đúng tiềm năng của nó. Theo đó, qua bài viết này, TNTP sẽ gửi đến Quý bạn đọc bài viết với nội dung “Lợi ích của phương pháp hòa giải, đối thoại tại Tòa án”.
1. Thế nào là hòa giải, đối thoại tại Tòa án
• Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định.
• Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định.
Như vây, hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động được thực hiện bởi các Hòa giải viên, được Tòa án có thẩm quyền tuyển chọn và bổ nhiệm từ những chuyên gia, nhà chuyên môn có uy tín trong cộng đồng dân cư, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020. Quá trình này nhằm giải quyết các vụ án mà người khởi kiện đã nộp đơn đến Tòa án, nhưng Tòa án chưa thụ lý và xử lý theo thủ tục tố tụng.
2. Những lợi ích của việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án
a. Giảm thiểu thời gian và công sức
• Hòa giải và đối thoại tại Tòa án được thi hành dựa trên quy định của Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án năm 2020. Tên gọi “hòa giải, đối thoại tại Tòa án” rất dễ gây hiểu nhầm đây là một quy trình trong tố tụng tại Tòa án, tuy nhiên, thực chất đây là thủ tục hòa giải ngoài tố tụng.
Do vậy, thời gian của việc hòa giải, đối thoại sẽ được áp dụng theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Thời gian trung bình giải quyết vụ việc là khoảng 1,5 tháng. Nếu như vụ việc các bên thống nhất kéo dài cũng không quá 02 tháng. Ngoài ra, trong quá trình hòa giải, đối thoại nếu các bên không tìm được tiếng nói chung cũng có quyền yêu cầu chấm dứt việc hòa giải, đối thoại bất cứ lúc nào.
• Các bên có thể chủ động lựa chọn thời gian và địa điểm tiến hành phiên hòa giải. Khác với thủ tục tố tụng tại Tòa án được thực hiện trong giờ hành chính, còn với việc các bên lựa chọn Hòa giải, đối thoại có thể chọn lựa thời gian, địa điểm, cách thức hòa giải phù hợp. Điều này có nghĩa là việc tổ chức hòa giải có thể diễn ra ở trong hoặc ngoài trụ sở của Tòa án, ngoài giờ hành chính, và cũng có thể là bằng cách gặp gỡ trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện khác mà các bên đề xuất và thỏa thuận.
b. Tiết kiệm chi phí
• Chi phí hòa giải, đối thoại do Ngân sách nhà nước đảm bảo, trừ trong các trường hợp như: tranh chấp kinh doanh, thương mại lớn; lựa chọn địa điểm hòa giải ngoài trụ sở tòa án; xem xét tình trạng tài sản ngoại tỉnh; phiên dịch tiếng nước ngoài…Việc quy định như vậy nhằm khuyến khích các bên thực hiện hòa giải, đối thoại.
• Còn khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp trong thủ tục tố tụng tại Tòa án thì mức phí tối thiểu phải chịu từ 300.000 đồng trở lên, tùy theo loại tranh chấp và tài sản tranh chấp, giá trị tranh chấp lớn thì án phí sẽ cao hơn. Ngoài ra các bên vẫn phải chịu những chi phí phát sinh khác liên quan theo quy định.
c. Giải quyết xung đột, tranh chấp đạt được sự đồng thuận cao
• Trong hòa giải, các bên tham gia hoàn toàn tự nguyện đạt được thỏa thuận về cách giải quyết tranh chấp. Khi hòa giải thành công, các nội dung giải quyết tranh chấp phản ánh ý chí của tất cả các bên, và tất cả đều hài lòng với kết quả. Nói cách khác, trong quá trình hòa giải, không có người chiến thắng hoặc người thua, mà mọi bên đều đạt được điều mình mong muốn. Từ đó giảm bớt được căng thẳng, gìn giữ được những mối quan hệ, sự hợp tác giữa các bên.
• Vì nội dung thỏa thuận khi hòa giải, đối thoại đều được các bên đồng thuận cao. Nên sau khi hòa giải thành các bên thi hành nội dung hòa giải một các tự nguyện, nhanh chóng.
d. Bảo mật thông tin của các bên
Tính riêng tư và quyền tự quyết của các bên là trọng tâm trong quá trình hòa giải, đối thoại. Thông tin trong hòa giải được bảo mật nghiêm ngặt, đảm bảo sự tin cậy và tôn trọng giữa các bên. Mọi thảo luận và quyết định đều diễn ra một cách riêng tư, không bị ghi âm hoặc ghi hình mà không có sự đồng ý của các bên. Biên bản chỉ được lập để ghi nhận kết quả cuối cùng của quá trình, và nội dung ghi chép cũng phải được bảo mật. Những nguyên tắc này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các bên cảm thấy thoải mái và tự do khi tham gia, từ đó giúp Hòa giải viên dễ dàng hướng dẫn các bên đến thỏa thuận cuối cùng một cách hiệu quả.
Tóm lại, việc áp dụng hòa giải và đối thoại tại tòa án mang lại nhiều lợi ích cho cả các bên liên quan và hệ thống tư pháp. Chúng tôi hy vọng thông qua bài viết này quý độc giả sẽ có góc nhìn toàn diện, chính xác. Từ đó, lựa chọn được những phương pháp phù hợp với vụ việc của mình.
Trên đây là bài viết “Lợi ích của phương pháp hòa giải, đối thoại tại Tòa án” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có nội dung cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ.
Trân trọng.