Hợp đồng mua bán hàng hóa là một trong những hợp đồng thương mại được sử dụng và diễn ra phổ biến. Hoạt động thương mại ngày càng phát triển, những tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng mua bán hàng hóa ngày càng gia tăng cũng như sự phức tạp của từng vụ việc. Bài viết ngày hôm nay chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn về Hợp đồng mua bán hàng hóa và những tranh chấp phổ biến thường phát sinh từ loại Hợp đồng này.
1. Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
• Căn cứ theo Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
• Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005, mua bán hàng hóa được định nghĩa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.
Từ những điều trên, có thể thấy rằng Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận. Các bên cần lưu ý thực hiện đúng nghĩa vụ của mình được quy định trong Hợp đồng.
2. Những tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa phổ biến
• Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa là những mâu thuẫn, bất đồng, vi phạm điều khoản Hợp đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
• Những nội dung tranh chấp trong Hợp đồng mua bán hàng hoá rất đa dạng. Trên thực tế thường xảy ra những dạng tranh chấp như sau:
Bên bán giao hàng chậm hoặc không giao hàng sau khi nhận thanh toán tiền cọc của bên mua;
Bên bán giao hàng không đúng chủng loại, số lượng như đã cam kết trong hợp đồng hai bên kí kết;
Bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán;
Bên bán vi phạm các điều kiện về thời điểm chuyển giao hàng hoá;
Một bên phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng;
Một bên vi phạm về bảo mật thông tin của bên còn lại được quy định trong hợp đồng.
Trong những dạng tranh chấp kể trên, tranh chấp thường gặp nhất là tranh chấp về việc bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
3. Nguyên nhân dẫn đến phát sinh tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa
Nguyên nhân dẫn đến phát sinh tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa đều có thể xuất phát từ các bên. Cụ thể:
• Trong quá trình giao kết hợp đồng, các bên đã không thỏa thuận rõ ràng một số vấn đề như: Tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết của hàng hóa, vấn đề chuyển giao rủi ro, thời hạn thanh toán, … dẫn đến khi có vấn đề phát sinh, các bên gặp khó khăn khi tìm cách giải quyết.
• Khi giao hàng, do sự thiếu cẩn trọng của bên bán, đơn vị vận chuyển nên không đảm bảo được về số lượng, chất lượng hàng hóa. Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân khác dẫn đến tranh chấp liên quan đến giao hàng như: Bên mua chưa có điều kiện để nhận hàng, sự cố khách quan khiến việc giao hàng không thực hiện được, …
• Vi phạm về nghĩa vụ thanh toán có nguyên nhân chính là do: Điều khoản thanh toán không có quy định rõ ràng về thời hạn thanh toán; Bên bán cung cấp Hồ sơ thanh toán không đầy đủ hoặc các tài liệu cần cho việc thanh toán không đủ chữ ký của đại diện mỗi bên; Bên mua gây khó khăn trong việc thanh toán hoặc không có khả năng thanh toán; số liệu về hàng hóa của mỗi bên không thống nhất dữ liệu dẫn đến không quyết toán được, …
• Tranh chấp về bồi thường thiệt hại xảy ra do việc chứng minh hành vi gây thiệt hại cũng như xác định giá trị và mức thiệt hại vô cùng phức tạp giữa các bên.
4. Biện pháp hạn chế tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa
Để đảm bảo cho quyền và lợi ích của các bên, mỗi bên cần lưu ý thực hiện đúng Hợp đồng để hạn chế tối đa tranh chấp Hợp đồng có thể xảy ra. Bên cạnh việc thực hiện đúng Hợp đồng, để tối ưu nhất việc phòng tránh phát sinh tranh chấp, các bên có thể chú ý những biện pháp sau:
• Soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, phù hợp với việc thực hiện hợp đồng của mỗi bên. Có rất nhiều trường hợp một bên vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng vì hoàn cảnh thực hiện hợp đồng bất lợi với điều khoản đã ký kết, hoặc do điều khoản hợp đồng không rõ ràng dẫn đến phát sinh vi phạm hợp đồng. Vì vậy, khi soạn thảo Hợp đồng phải chặt chẽ và phù hợp với mỗi bên, nếu có điều khoản chưa rõ ràng phải được các bên giải thích hoặc điều chỉnh, bổ sung tại Phụ lục đính kèm Hợp đồng.
• Các bên quy định rõ điều khoản phạt vi phạm và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi một bên vi phạm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng. Việc quy định chế tài chặt chẽ là một biện pháp hiệu quả để các bên tự ý thức và nhắc nhở mỗi bên cần tôn trọng và thực hiện đúng Hợp đồng như đã cam kết.
• Khi có phát sinh việc một bên vi phạm Hợp đồng, bên bị vi phạm có thể nhắc nhở đối tác để điều chỉnh, khắc phục vi phạm Hợp đồng hiện có; và có thể thương lượng, hòa giải để ưu tiên sự tự nguyện và tinh thần thiện chí của các bên, và để hạn chế giải quyết tranh chấp phát sinh mang tính tài phán.
Như vậy, để hạn chế xảy ra những tranh chấp không đáng có, trước khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, các bên cần hiểu rõ nguyên nhân phát sinh tranh chấp và hậu quả pháp lý khi xảy ra tranh chấp. Từ đó, khi giao kết Hợp đồng, các bên sẽ nhận thức được việc phòng tránh rủi ro phát sinh tranh chấp, gây thiệt hại cho các bên. Trước khi giao kết Hợp đồng các bên có thể nhờ sự tư vấn pháp lý của luật sư/chuyên viên pháp lý để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch thương mại và đưa ra phương hướng giải quyết nhanh chóng, kịp thời trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Đồng thời, các bên cần tự nâng cao kiến thức về tầm quan trọng trong thỏa thuận và quy định điều khoản trong Hợp đồng chặt chẽ, rõ ràng để tránh tranh chấp xảy ra.
Trên đây là bài viết “Những tranh chấp phổ biến phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP đẻ được giải đáp.
Trân trọng.