Từ khi giao kết đến khi chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên luôn mong muốn hợp đồng được thực hiện một cách thuận lợi, hạn chế thấp nhất các mất mát, hư hỏng có thể xảy ra đối với hàng hóa. Tuy nhiên trong nhiều thời điểm, như trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ bên bán đến bên mua, hoặc khi hàng hóa được vận chuyển đến kho của bên mua,… thì hàng hóa có thể bị mất mát hoặc hư hỏng. Vậy bên bán hay bên mua sẽ phải chịu rủi ro trong những trường hợp này? TNTP sẽ trả lời câu hỏi này trong bài viết sau đây.

1. Rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Rủi ro trong hợp đồng mua bán là những mất mát, hư hỏng xảy ra đối với hàng hóa. Rủi ro có thể xảy ra do lỗi chủ quan của con người hoặc do các hiện tượng khách quan (thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, đình công, dịch bệnh, tai nạn,…). Rủi ro là điều các bên không mong muốn vì các bên sẽ phải gánh chịu thiệt hại do rủi ro gây nên. Do vậy, việc phân định thời điểm nào bên bán phải chịu những mất mát, hư hỏng của hàng hóa; thời điểm nào những hư hỏng, mất mát đó được chuyển cho bên mua có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn thực hiện hợp đồng của các bên.

2. Thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Chuyển rủi ro là việc xác định bên mua hay bên bán là người chịu trách nhiệm với những mất mát, hư hỏng của hàng hóa tại một thời điểm xác định. Pháp luật hiện hành tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận thì việc xác định bên phải chịu rủi ro sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005, cụ thể:

Trường hợp 1: Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định

Về nguyên tắc, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, do vậy, kể cả khi các bên đã thỏa thuận, quy định cụ thể về địa điểm giao hàng thì việc xác định thời điểm chuyển giao rủi ro trước hết do các bên thỏa thuận.

Ví dụ, các bên quy định trong hợp đồng rằng bên mua chỉ nhận hàng và ký biên bản giao nhận hàng hóa để làm cơ sở thanh toán và chịu rủi ro sau khi các bên đã tiến hành nghiệm thu hàng hóa và/hoặc bên mua nhận được đầy đủ chứng từ liên quan đến hàng hoá tại thời điểm giao nhận hàng hóa. Trường hợp bên bán không đảm bảo về chủng loại, số lượng, chất lượng của hàng hóa và/hoặc không bàn giao đủ chứng từ, bên mua có quyền không nhận hàng, không ký kết biên bản giao nhận hàng hóa, thay vào đó là lập biên bản xác định lỗi của bên bán để từ đó không nhận hàng và không phải chịu rủi ro về hàng hóa.

Trường hợp các bên không thỏa thuận về thời điểm chuyển giao rủi ro thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa sẽ được chuyển cho bên mua khi hàng hóa được chuyển cho bên mua hoặc người được bên mua ủy quyền đã nhận hàng tại địa điểm được thỏa thuận bởi hai bên, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.

Trong các hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên thường quy định rõ địa điểm giao hàng, địa điểm này có thể là kho chứa hàng của bên mua, địa điểm kinh doanh của bên mua, hoặc địa điểm chứa hàng của bên thứ ba,… Một số hợp đồng còn quy định rõ về thông tin của người được bên mua ủy quyền nhận hàng để hai bên thuận tiện trong việc giao nhận hàng hóa.

Trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể về người được bên mua ủy quyền nhận hàng thì bên bán cần chủ động liên hệ với bên mua để xác nhận thông tin của người này, đặc biệt là khi bên bán giao hàng đến địa điểm của bên thứ ba không phải bên mua. Bởi lẽ các bên vẫn có thể phát sinh tranh chấp nếu bên bán chỉ giao hàng đến địa điểm theo chỉ định của bên mua, giao cho người không có thẩm quyền nhận hàng và hai bên không ký kết bất kỳ biên bản nào chứng minh việc bên mua đã nhận được đầy đủ hàng hóa. Do vậy, bên bán không chỉ cần giao hàng đến đúng địa điểm mà bên mua đã chỉ định mà còn phải giao cho đúng người được bên mua ủy quyền nhận hàng hóa, đồng thời các bên cần ký kết biên bản giao nhận hàng hóa/phiếu giao hàng để chứng minh bên mua hoặc người được bên mua ủy quyền đã nhận hàng. Trường hợp bên nhận hàng không phải là bên mua hoặc người được bên mua ủy quyền thì khả năng cao là bên bán sẽ phải chịu rủi ro, trừ trường hợp việc bên bán giao hàng cho nhầm người xuất phát từ lỗi của bên mua, như bên mua cố ý cung cấp các thông tin sai lệch về người nhận hàng cho bên mua,…

Tóm lại, thời điểm chuyển rủi ro trùng với thời điểm bên bán giao hàng cho bên mua, và bên mua hoặc người đại diện có thẩm quyền của bên mua nhận hàng. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp thời điểm bên bán giao hàng và thời điểm bên mua nhận hàng là trùng nhau. Do vậy, các bên cần căn cứ vào quy định về thời gian giao nhận hàng trong hợp đồng để xác định rủi ro đã được chuyển giao hay chưa, chuyển giao vào thời điểm nào. Thông thường, bên vi phạm nghĩa vụ giao – nhận hàng sẽ là bên phải chịu rủi ro.

  • Ví dụ, hai bên thỏa thuận thời điểm hai bên giao nhận hàng hóa là 15 giờ ngày 25/11/2022 tại kho hàng của bên mua. Bên bán đã vận chuyển hàng hóa đến kho hàng của bên mua đúng 15 giờ ngày 25/11/2022, tuy nhiên kho hàng này đang đóng cửa và bên mua chưa nhận hàng. Vào 16 giờ 30 cùng ngày, trời mưa và một phần hàng hóa đã bị hỏng vì ngấm nước. Trong trường hợp này, bên mua phải chịu rủi ro vì đã vi phạm nghĩa vụ nhận hàng.
  • Cũng ví dụ nêu trên nhưng bên bán đã vận chuyển hàng hóa đến kho hàng của bên mua vào 16 giờ ngày 25/11/2022, muộn hơn thời gian mà hai bên thỏa thuận. Bên mua từ chối nhận hàng vì bên bán giao hàng chậm. Vào 16 giờ 30 cùng ngày, trời mưa và một phần hàng hóa đã bị hỏng vì ngấm nước. Trong trường hợp này, bên bán phải chịu rủi ro vì đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng.
  • Cũng ví dụ nêu trên, hai bên chỉ thỏa thuận về thời gian hai bên giao nhận hàng hóa là ngày 25/11/2022 mà không thỏa thuận giờ cụ thể. Bên bán giao hàng đến kho của bên mua vào 16 giờ ngày 25/11/2022. Bên mua chưa kịp nhận hàng thì trời mưa và một phần hàng hóa đã bị hỏng vì ngấm nước. Trong trường hợp này, bên bán sẽ phải chịu rủi ro vì tuy bên mua chưa nhận hàng nhưng không vi phạm nghĩa vụ nhận hàng.

Trên đây là bài viết “Thời điểm chuyển giao rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa (Phần 1)”. Các bạn vui lòng theo dõi phần 2 trong bài viết kỳ sau của TNTP.