Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, tranh chấp luôn tiềm ẩn bởi vì các bên luôn hướng đến những điều có lợi cho mình. Có thể coi tranh chấp như một loại bệnh, vấn đề đặt ra là làm sao chữa được loại bệnh này nếu như nó phát sinh và thậm chí là khi nó chưa hình thành. Trong phạm vi các quy định pháp luật hiện hành, có nhiều cách thức để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các cách thức này trong bài viết sau đây.

1. Hoạt động thương mại

● Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại (“LTM”) năm 2005, hoạt động thương mại được hiểu là hoạt động nhằm mục đích sinh lời, bao gồm hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại…

● Đối tượng trong hoạt động thương mại là hàng hóa, theo đó hàng hóa là tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai như cây cối…

2. Cách thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại

Điều 317 LTM năm 2005 quy định 03 cách thức giải quyết tranh chấp như sau:

● Thương lượng: đối với cách thức này, thành phần tham gia bao gồm các bên trong hoạt động thương mại, theo đó các bên sẽ cùng thỏa thuận, thương lượng bằng những lập luận, căn cứ pháp luật cụ thể nhằm tìm ra hướng giải quyết phù hợp với ý chí của các bên. Tại giai đoạn này, các bên có thể tự thương lượng hoặc nhờ sự hỗ trợ của luật sư, chuyên gia. Kết quả thương lượng sẽ phụ thuộc vào sự tự nguyện, sự nhượng bộ của các bên, và không có tính chất bắt buộc thực hiện. Chính vì vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên sẽ khó được đảm bảo một cách tốt nhất.

● Hòa giải: khác với giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, khi giải quyết bằng cách thức hòa giải, ngoài thành phần tham gia là các bên trong hoạt động thương mại thì còn có cá nhân, tổ chức với vai trò là bên thứ ba đứng ra hòa giải, có thể là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên.

Sự tham gia của bên thứ ba có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục, thúc đẩy các bên tiến hành việc giải quyết tranh chấp một cách tốt nhất. Tuy nhiên về cơ bản, việc các bên có hòa giải được hay không phụ thuộc phần nhiều vào sự thỏa thuận, ý chí của các bên. Khi các bên hòa giải thành, để kết quả hòa giải thành có tính bắt buộc, bên có yêu cầu cần yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành tại tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

● Trọng tài hoặc tòa án

Trọng tài: để giải quyết theo cách thức này thì các bên buộc phải có thỏa thuận trọng tài, có thể là trọng tài quy chế hoặc trọng tài vụ việc. Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài. Thông thường, các bên ưu tiên lựa chọn giải quyết tại trung tâm trọng tài cụ thể.

Phán quyết của trọng tài sẽ mang tính bắt buộc và buộc các bên phải thi hành, đây là điểm lợi thế hơn so với hai cách thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và hòa giải, mặt khác cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài còn đảm bảo được tính bảo mật thông tin và tiết kiệm thời gian để giải quyết vụ việc. Đây cũng là xu hướng chung để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Do vậy, các bên có thể cân nhắc lựa chọn cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp và thỏa thuận trong hợp đồng kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.

Tòa án: cách thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án sẽ mang tính quyền lực nhà nước, được hiểu là sẽ có sự tham gia của cơ quan nhà nước, cụ thể là Tòa án, với tư cách là cơ quan nhân danh nhà nước trong việc thực hiện hoạt động xét xử. Bản án/ quyết định của Tòa án sẽ mang tính bắt buộc và buộc các bên phải thi hành, nếu một bên không tự nguyện thi hành thì bên còn lại có thể yêu cầu cơ quan thi hành dân sự có thẩm quyền thực hiện việc cuỡng chế thi hành. Để giải quyết tranh chấp tại Tòa án, một trong các bên phải gửi đơn khởi kiện thể hiện rõ tình tiết vụ việc và yêu cầu khởi kiện, các tài liệu chứng cứ đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án có những hạn chế như thời gian giải quyết kéo dài, thủ tục phức tạp và khó đảm bảo được tính bảo mật thông tin.

3. Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại

● Ưu tiên sự thỏa thuận: khi phát sinh tranh chấp, các bên nên giải quyết bằng con đường thương lượng, hòa giải trước tiên bởi lẽ hai cách thức này được thực hiện một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và thời gian của các bên. Mặt khác, việc thỏa thuận, thương lượng với nhau sẽ giúp cho các bên hiểu rõ về nhau hơn, từ đó giúp cho việc giải quyết tranh chấp được hiệu quả hơn. Tuy nhiên tùy vào từng trường hợp cụ thể, nếu một bên không nhận được sự thiện chí của bên còn lại thì có thể lựa chọn các cách thức giải quyết tranh chấp tại Trọng tài hoặc Tòa án;

● Xây dựng điều khoản về cách thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng: tranh chấp là điều không bên nào mong muốn khi xác lập hợp đồng thương mại, tuy nhiên để dự trù cho các trường hợp phát sinh thì khi xác lập hợp đồng, các bên nên thỏa thuận điều khoản cách thức giải quyết tranh chấp. Như vậy, trong trường hợp tranh chấp phát sinh thì các bên sẽ đối chiếu theo điều khoản đó để thực hiện giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả nhất.

Trên đây là nội dung bài viết “Cách thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại”. Chúng tôi hy vọng bài viết sẽ có ích đối với bạn.

Trân trọng,