Về nguyên tắc, việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại sẽ được thực hiện khi các bên có thỏa thuận Trọng tài. Trong đó, bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện tại Trung tâm trọng tài để yêu cầu cơ quan này giải quyết tranh chấp. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bị đơn cần lưu ý điều gì khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của TNTP để tìm câu lời.
Thời điểm nhận thông báo đơn khởi kiện
Khi nguyên đơn khởi kiện bị đơn tại Trung tâm trọng tài, cơ quan này sẽ có trách nhiệm gửi thông báo khởi kiện và các tài liệu khác có liên quan cho bị đơn.
Theo Điều 32 Luật Trọng tài thương mại 2010 (“Luật TTTM 2010”), nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trọng tài không có quy định khác, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, Trung tâm trọng tài sẽ gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện của nguyên đơn và những tài liệu khác kèm theo đơn khởi kiện.
Thời điểm bị đơn nhận được thông báo đơn khởi kiện là lúc bị đơn chính thức biết được mình đang bị khởi kiện tại Trung tâm trọng tài. Cũng là lúc bị đơn cần chuẩn bị phương án để bảo vệ quyền và lợi ích của mình một cách tốt nhất.
Thời điểm gửi bản tự bảo vệ cho Trung tâm trọng tài và nguyên đơn
Căn cứ Khoản 2 Điều 35 Luật TTTM 2010, đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ. Thời hạn này có thể được gia hạn nếu một bên hoặc các bên có yêu cầu.
Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì cũng phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ. Bị đơn có thể đưa ra quan điểm phản đối về Thỏa thuận trọng tài, nếu không Bị đơn sẽ bị mất quyền phản đối.
Theo đó, bản tự bảo vệ gồm có các nội dung sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm bản tự bảo vệ;
- Tên và địa chỉ của bị đơn;
- Cơ sở và chứng cứ tự bảo vệ, nếu có;
- Tên và địa chỉ của người được bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên.
Nếu bị đơn không nộp bản tự bảo vệ thì quá trình tố tụng trọng tài vẫn được tiến hành bình thường. Do đó, bị đơn cần đặc biệt lưu ý về thời điểm gửi và nội dung bản tự bảo vệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất.
Quyền kiện lại nguyên đơn của bị đơn
Căn cứ Điều 36 Luật TTTM 2010, bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp.
- Đơn kiện lại của bị đơn phải căn cứ vào thỏa thuận trọng tài mà dựa vào đó nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn .
- Đơn kiện lại phải bằng lập thành văn bản riêng, độc lập với Bản tự bảo vệ
Đơn kiên lại phải được gửi tới trung tâm trọng tài cùng thời điểm gửi Bản tự bảo vệ; và
- Đơn kiện lại được giải quyết đồng thời bởi chính Hội đồng trọng tài giải quyết Đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Thương lượng, hòa giải khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Căn cứ Điều 38 Luật TTTM 2010, các bên có quyền tự mình thương lượng, thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên tự thỏa thuận được với nhau chấm dứt việc giải quyết tranh chấp thì có quyền yêu cầu Chủ tịch Trung tâm trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.
Thực tế, khi bị khởi kiện tại Tòa án hay Trọng tài, các bên sẽ luôn ưu tiên việc tự thương lượng, hòa giải với nhau để giải quyết tranh chấp. Phương án này sẽ giúp các bên tiết kiệm thời gian, chi phí và tiền bạc. Vì vậy, khi bị khởi kiện tại Trọng tài, bị đơn có thể cân nhắc lựa chọn phương án này để giải quyết tranh chấp với nguyên đơn.
Trên đây là nội dung bài viết “Lưu ý đối với bị đơn khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài”. Hi vọng bài viết của TNTP hữu ích đối với quý độc giả.
Trân trọng.