Lao động nữ (“LĐN”) đã và đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình lao động, sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, khi tham gia vào quan hệ lao động, do nhiều yếu tố như sức khỏe, tâm sinh lý,… LĐN còn gặp phải nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Bộ luật lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định nhiều chính sách để bảo đảm quyền lợi cho LĐN. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích một số chính sách, quy định có lợi cho LĐN.
1. Chính sách có lợi cho lao động nữ nói chung
Được khám chuyên khoa phụ sản tối thiểu 01 lần/năm
Người lao động (“NLĐ”) được khám sức khỏe tối thiểu 01 lần/năm. Đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi được khám sức khỏe tối thiểu 06 tháng một lần. Đặc biệt, đối với LĐN, tại các kỳ khám sức khỏe định kỳ, LĐN sẽ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
Được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh
LĐN trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động (“HĐLĐ”). Số ngày có thời gian nghỉ do hai bên thỏa thuận nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc/tháng, thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do NLĐ thông báo với người sử dụng lao động (“NSDLĐ”). Trường hợp LĐN có nhu cầu nghỉ linh hoạt thì có thể thỏa thuận với NSDLĐ để được bố trí nghỉ phù hợp. Trường hợp không có nhu cầu nghỉ và được NSDLĐ đồng ý cho NLĐ tiếp tục làm việc thì NLĐ sẽ được trả thêm tiền lương tương ứng với thời gian được nghỉ mà vẫn làm việc.
Được bảo vệ khi bị quấy rối tình dục
BLLĐ năm 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về phòng, chống quấy rối tình dục (“QRTD”) tại nơi làm việc, theo đó yêu cầu doanh nghiệp phải có giải pháp, quy định chi tiết về phòng, chống QRTD tại doanh nghiệp. Đây là điểm mới so với BLLĐ năm 2012. Khi cho rằng bị QRTD tại nơi làm việc, thay vì âm thầm chịu đựng hoặc nghỉ việc, chịu thiệt thòi về mình, NLĐ có thể thu thập chứng cứ, tài liệu, người làm chứng để khiếu nại, tố cáo người thực hiện hành vi QRTD. Người thực hiện hành vi QRTD có thể bị sa thải theo pháp luật và nội quy lao động của doanh nghiệp. Trường hợp LĐN vì bị QRTD tại nơi làm việc mà không muốn tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp, LĐN có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ ngay lập tức mà không cần báo trước cho NSDLĐ.
2. Chính sách có lợi cho lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ
2.1 Chính sách bảo vệ thai sản
Thứ nhất, NLĐ nữ không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây: i) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; ii) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được NLĐ đồng ý.
Việc NLĐ nữ làm việc ban đêm (từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau), làm thêm giờ (làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường) hay đi công tác xa (phải đi lại nhiều) có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ nữ, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, việc pháp luật quy định như trên sẽ giúp LĐN không bị ép buộc làm công việc gây tổn hại đến sức khỏe, từ đó đảm bảo sức khỏe, sự phát triển của thai nhi.
- Thứ hai, NLĐ nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho NSDLĐ biết thì được NSDLĐ chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
NLĐ không cần chờ mang thai một khoảng thời gian mới đề xuất với NSDLĐ về chuyển công việc hoặc giảm giờ làm mà có thể đề xuất kể từ khi NLĐ mang thai.
Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định cụ thể trong Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành. Danh mục công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con được quy định cụ thể trong Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
- Thứ ba, NSDLĐ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi trừ một số trường hợp đặc biệt như: i) NSDLĐ là cá nhân chết, ii) NSDLĐ bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết, iii) NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động, iv) NSDLĐ bị Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư ban hành thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp HĐLĐ hết hạn trong thời gian LĐN mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết HĐLĐ mới. Đây là quy định mới xuất phát từ đặc tính riêng có của LĐN (sinh sản và nuôi con), nhằm đảm bảo NLĐ có kinh tế, tiền lương để chăm sóc, nuôi dạy con.
- Thứ tư, NLĐ nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ.
Trường hợp LĐN có nhu cầu nghỉ linh hoạt thì có thể thỏa thuận với NSDLĐ để được bố trí nghỉ phù hợp. Trường hợp LĐN không có nhu cầu nghỉ và được NSDLĐ đồng ý để NLĐ làm việc thì NLĐ được trả thêm tiền lương theo công việc mà NLĐ đã làm trong thời gian được nghỉ.
Trên đây là bài viết “Các chính sách pháp luật có lợi cho lao động nữ (phần 1)”, TNTP hy vọng bài viết sẽ mang lại giá trị, giúp NLĐ nữ có thêm căn cứ để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho mình. Quý độc giả có thể theo dõi phần tiếp theo của bài viết tại các kỳ sau.
Trân trọng,