Doanh nghiệp dù có quy mô nhỏ hay lớn, hoạt động trong lĩnh vực nào cũng luôn phải đối mặt với việc phát sinh công nợ. Đối với mỗi doanh nghiệp, việc thu hồi nợ luôn được quan tâm hàng đầu bởi nó không chỉ tác động trực tiếp đến nguồn vốn mà còn ảnh hưởng đến các kế hoạch tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Có rất nhiều lĩnh vực hoạt động trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp, những hợp đồng hợp tác đầu tư, mua bán. Khi càng có nhiều hợp đồng hợp tác kinh tế thì vấn đề phát sinh công nợ xảy ra ngày càng nhiều. Việc hạn chế tranh chấp trong thu hồi nợ và tìm hiểu nguyên nhân làm phát sinh công nợ chậm thanh toán là điều vô cùng cần thiết. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến những nguyên nhân chính làm phát sinh công nợ chậm thanh toán của doanh nghiệp cũng như vai trò của văn phòng luật sư trong việc giải quyết tranh chấp thu hồi nợ.
Công nợ và xác nhận công nợ được hiểu như thế nào?
Để hiểu thế nào là công nợ và xác nhận công nợ là vấn đề đang diễn ra rất nhiều trong thời buổi hiện nay, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP giải thích: “Được biết, công nợ được hiểu là các khoản nợ mà bên mua hàng, bên sử dụng dịch vụ phải trả cho bên bán hàng cung ứng dịch vụ sau khi đã nhận được hàng hóa trong quá trình kinh doanh nhưng bên mua hàng, bên sử dụng dịch vụ vẫn chưa thanh toán. Công nợ bao gồm các loại sau: Các khoản phải thu khách hàng, các khoản tiền mà doanh nghiệp đã cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng nhưng chưa được trả tiền, các khoản phải trả người bán, giá trị các loại hàng hoá dịch vụ mà doanh nghiệp đã nhận của người bán nhưng chưa thanh toán”.
Bên cạnh đó, biên bản đối chiếu công nợ và xác nhận công nợ là văn bản do các bên cùng ký và đóng dấu để xác nhận khoản nợ mà một bên có nghĩa vụ thanh toán cho bên còn lại. Đối chiếu công nợ không bắt buộc đối với các bên, tuy nhiên trong trường hợp phát sinh tranh chấp, biên bản đối chiếu công nợ là một trong những chứng cứ quan trọng nhất để xác định giá trị khoản nợ. Để biên bản đối chiếu công nợ được coi là chứng cứ thì cần có đầy đủ chữ ký, dấu của cả hai bên. Nếu biên bản đối chiếu công nợ không có chữ ký và con dấu của bên có nghĩa vụ thì không thể chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền, cho dù bên khởi kiện nộp bản gốc tại tòa án thì cũng không được chấp nhận là chứng cứ. Vì vậy, khi lập biên bản đối chiếu công nợ, bên có quyền phải yêu cầu bên có nghĩa vụ ký, đóng dấu xác nhận.
Ngoài ra, một trường hợp khác, biên bản đối chiếu công nợ do kế toán/kế toán trưởng ký xác nhận. Về nguyên tắc, biên bản đối chiếu công nợ phải do đại diện theo pháp luật ký, tuy nhiên trường hợp kế toán ký, đại diện pháp luật biết nhưng không phản đối thì được coi là đại diện theo pháp luật đã đồng ý với giá trị khoản nợ. Tòa án vẫn sẽ chấp nhận biên bản đối chiếu công nợ là chứng cứ nếu bên có quyền chứng minh được việc đại diện pháp luật biết nhưng không phản đối. Trong trường hợp này, nếu kế toán là người ký vào biên bản đối chiếu công nợ thì bên có quyền nên gửi một văn bản thông báo kế toán đã xác nhận nợ và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán. Văn bản được gửi phải có báo phát để có chứng cứ rõ ràng, khi đó bên có nghĩa vụ sẽ không thể phản bác lại việc đại diện pháp luật biết nhưng không phản đối kế toán ký xác nhận công nợ.
Nguyên nhân phát sinh công nợ chậm thanh toán
Năm 2020, thế giới bùng phát đại dịch Covid-19, chính vì dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và khủng hoảng về lao động,… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không còn đủ điều kiện tài chính để duy trì hoạt động sản xuất, dẫn đến số lượng doanh nghiệp phá sản và giải thể ngày càng tăng. Do vậy, các doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán công nợ hoặc buộc phải giữ lại khoản nợ để có nguồn vốn duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp.
Bên cạnh những khó khăn do đại dịch Covid gây ra, nhiều doanh nghiệp bị nợ xấu cũng cho rằng, sự thiện chí của bên nợ cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc phát sinh công nợ khó đòi. Nếu bên nợ có thiện chí, chủ động thanh toán đúng hạn thì doanh nghiệp sẽ thu hồi được nợ một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều bên nợ có khả năng thanh toán nhưng vẫn cố chây ỳ, trốn tránh việc thanh toán khoản nợ. Bên nợ cố tình không trả nợ thường đưa ra nhiều lý do như doanh nghiệp đang thua lỗ, gặp khó khăn về tài chính, hàng hoá không bán được, khách hàng chưa thanh toán cho doanh nghiệp,… Thậm chí, bên nợ còn thực hiện các hành vi trốn tránh khoản nợ như: Tìm cách tránh mặt, không nghe điện thoại, không thiện chí hợp tác làm việc với chủ nợ, che giấu địa chỉ hoạt động thực tế, bán tài sản, rút vốn của công ty và chuyển chủ sở hữu,… Lúc này, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thu hồi nợ vì hầu hết đều chủ quan và không có sự chuẩn bị từ trước.
Bên nợ không có khả năng thanh toán vì điều kiện thanh toán của họ chính là năng lực về tài chính để đáp ứng nhu cầu thanh toán các khoản nợ. Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng thu hồi nợ của doanh nghiệp bởi mục tiêu của doanh nghiệp là thu hồi được khoản tiền mà bên nợ chưa trả. Vì vậy, trường hợp bên nợ không có tiền, tài sản, không có khả năng thanh toán thì dù doanh nghiệp dùng biện pháp nào cũng không thể thu hồi khoản nợ đó. Trong thời điểm dịch bệnh, việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, giải thể, phá sản,… Do vậy, việc bên nợ mất khả năng thanh toán là việc khá phổ biến.
Làm thế nào để thu hồi nợ đúng pháp luật?
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc phát sinh công nợ, khoản nợ khó đòi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghệp đang ngày càng phổ biến. Do đó, việc có một đơn vị hỗ trợ, tư vấn trong hoạt động kinh doanh để tránh phát sinh công nợ là vô cùng cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Những doanh nghiệp lớn hầu hết sẽ có bộ phận pháp chế nội bộ của mình với vai trò tư vấn, hỗ trợ trong việc thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận với đối tác. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ không có bộ phận pháp chế nội bộ nên việc cân nhắc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý hàng tháng của một văn phòng luật sư để tránh phát sinh những rủi ro về công nợ là vô cùng cần thiết.
Luật sư Hà cũng lưu ý thêm với doanh nghiệp, trước khi thực hiện giao dịch với bất kỳ đối tác nào, dù là đối tác quen thuộc, tin cậy hay là đối tác mới, doanh nghiệp cần tìm hiểu, thu thập kỹ thông tin và tình hình hoạt động kinh doanh của đối tác và khách hàng, để từ đó làm cơ sở giao kết hợp đồng. Khi xác nhận đối tác uy tín và hai bên có mong muốn hợp tác, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ soạn thảo hợp đồng hoặc rà soát hợp đồng của văn phòng luật sư. Khi đó, văn phòng luật sư sẽ thông báo cho khách hàng những nội dung cần chú ý trong hợp đồng, những điều khoản bất lợi cho khách hàng cũng như bổ sung các điều khoản nhằm đảm bảo việc thanh toán cho doanh nghiệp. Đồng thời, văn phòng luật sư sẽ tư vấn cho khách hàng những việc doanh nghiệp cần thực hiện để tránh trường hợp tranh chấp thu hồi nợ xảy ra.
“Trường hợp đối tác vi phạm nghĩa vụ thanh toán, doanh nghiệp có thể tự yêu cầu bên nợ thanh toán nợ hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý để văn phòng luật sư đại diện khách hàng giải quyết các tranh chấp về khoản nợ. Trường hợp bên nợ trốn tránh, không thanh toán khoản nợ, văn phòng luật sư có thể xác định những vi phạm pháp luật của bên nợ và gửi đơn tố cáo cho cơ quan có thẩm quyền hoặc tiến hành khởi kiện để thu hồi khoản nợ”. – Luật sư Hà nhấn mạnh.