Tranh chấp kinh doanh thương mại bao gồm nhiều loại mâu thuẫn và cấp độ khác nhau trong đời sống dân sự – kinh tế của mỗi quốc gia và khu vực. Thực tế, những tranh chấp này đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn phạm vi, đặc biệt ở các khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, vai trò của Luật sư trở nên vô cùng quan trọng, không chỉ để giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả mà còn để đảm bảo sự bảo vệ cho quyền và lợi ích của chủ thể. Trong bài viết này, TNTP sẽ giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò của Luật sư trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.
1. Đề xuất phương án giải quyết tranh chấp phù hợp
• Luật sư giữ vai trò quan trọng không chỉ trong việc giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả mà còn trong việc hướng dẫn khách hàng lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp. Khi có tranh chấp diễn ra có rất nhiều phương pháp giải quyết tranh chấp khác nhau (các phương thức như thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án). Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Và mỗi vấn đề tranh chấp có thể đòi hỏi một phương pháp giải quyết khác nhau tùy thuộc vào tính chất của tranh chấp và mục tiêu của khách hàng.
• Luật sư là người trực tiếp hỗ trợ khách hàng, nắm được thông tin, hồ sơ vụ việc cũng như thấu hiểu được mong muốn, mục tiêu của khách hàng. Từ đó, cùng với kiến thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm được tích lũy, Luật sư có thể đưa đề xuất phương án giải quyết tối ưu nhất đối với vụ việc. Với sự hỗ trợ của Luật sư, việc lựa chọn được phương thức phù hợp chính là chìa khóa để giải quyết tranh chấp.
• Bên cạnh đó Luật sư có thể hỗ trợ lồng ghép khéo léo các phương thức để hướng tới giải quyết vụ việc hiệu quả và đạt được kết quả tối ưu nhất.
2. Lựa chọn chính xác quy định pháp luật
• Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, tranh chấp thường phát sinh từ các vấn đề pháp lý dẫn đến sự thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên. Việc chọn lựa quy định pháp luật để giải quyết tranh chấp là vô cùng quan trọng, cần đảm bảo cơ sở pháp lý lo xác và hiệu quả.
• Pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại thường chuyển đổi và cập nhật liên tục, yêu cầu sự nắm vững và cập nhật liên tục từ phía Luật sư và các chuyên gia pháp lý. Trong thực tế, việc áp dụng pháp luật vào giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại thường không đơn giản đòi hỏi người vận dụng phải có chuyên môn cao. Đặc biệt, sự chồng chéo và thiếu nhất quán trong các quy định pháp luật có thể làm tăng đáng kể độ phức tạp của quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, việc sử dụng dịch vụ của các Luật sư là điều cần thiết. Khi đó, Luật sư với sự am hiểu pháp luật tại quốc gia, địa phương có thể đưa ra những căn cứ pháp lý, quy định pháp luật chính xác, phù hợp làm căn cứ để giải quyết tranh chấp.
3. Đảm bảo quyền lợi, hạn chế rủi ro với khách hàng
• Thu thập chứng cứ, tài liệu phục vụ cho giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại luôn là việc khó, đòi hỏi phải có phương pháp, chiến lược bài bản. Luật sư có sự hiểu biết sâu sắc về hệ thống pháp luật và kinh nghiệm trong thực hiện các thủ tục pháp lý, vì vậy sẽ hỗ trợ một cách tốt nhất trong quá trình thu thập bằng chứng, chứng cứ, đưa ra các lập luận logic, hợp lý đối với vụ việc. Từ đó, đưa ra được những căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với khách hàng. Việc có Luật sư hỗ trợ sẽ giúp quá trình này được thuận lợi và chính xác hơn.
• Luật sư với tư cách độc lập trong quá trình tố tụng sẽ đảm bảo được quyền lợi của khách hàng được thực hiện đầy đủ, không bị xâm phạm trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh cấp trong cũng như ngoài tố tụng. Cũng như đấu tranh khi có những tiêu cực, đưa ra những phương án giải quyết phù hợp khi có những quyết định chưa phù hợp gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
• Đồng thời, Luật sư với vốn hiểu biết của mình cũng như nắm rõ thông tin về vụ việc có thể giúp cho khách hàng hạn chế tối đa những rủi ro, thiệt hại khách hàng có thể mắc phải trong các vụ tranh chấp. Giải quyết tranh chấp một cách hợp tình, hợp lý và đặc biệt giải quyết trên cơ sở tuân thủ, không trái quy định của pháp luật.
Việc Luật sư giúp cho khách hàng hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như lường trước được những rủi ro có thể gặp phải sẽ là một trong những yếu tố mấu chốt để việc giải quyết tranh chấp đạt được sự hiệu quả.
4. Hỗ trợ giải quyết tranh chấp nhanh chóng, hiệu quả
• Luật sư với am hiểu quy định pháp luật, quy trình tố tụng có thể tư vấn, hỗ trợ cho khách hàng giải quyết tranh chấp một cách chuyên nghiệp, chính xác, để vụ việc được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả và công bằng. Đơn cử như việc tài liệu được nộp sớm và đầy đủ, các vấn đề tranh chấp, các vấn đề pháp lý được xác định chính xác, sẽ giúp tránh lãng phí thời gian xử lý những vấn đề nhỏ, không cần thiết, làm mất trọng tâm và có thể ảnh hưởng đến kết quả của quá trình xét xử.
• Việc thi hành án kinh doanh thương mại tốn nhiều thời gian cũng như công sức. Nếu không đạt được mục đích cuối cùng của hoạt động thi hành án, toàn bộ quá trình tố tụng và nội dung bản án phần nào đó có thể bị xem là vô nghĩa đối với người được thi hành án. Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc trải qua quá trình tố tụng mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng cuối cùng không thể thi hành được bản án, quyết định hay phán quyết. Vì vậy, trong giai đoạn thi hành án, vai trò của những người phụ trách pháp lý, cụ thể là Luật sư của các đương sự cần được đặc biệt đề cao.
Việc xây dựng chiến lược cho quá trình thi hành án có vai trò hết sức quan trọng và định hình kết quả của cả quá trình này. Vai trò của Luật sư thể hiện qua việc xây dựng phương án thi hành án phù hợp với tình hình thực tế của vụ việc, lập kế hoạch cho các hành động phải được thực hiện bởi người phải thi hành án, và dự tính các tình huống thực tế có thể phát sinh và cách giải quyết cho từng tình huống.
Quá trình xây dựng chiến lược cho việc thi hành án không chỉ bắt đầu khi bản án có hiệu lực, mà cần được tiến hành từ giai đoạn tiền tố tụng, ngay từ khi Luật sư tiếp nhận vụ việc từ khách hàng. Trong nhiều trường hợp, khi kết thúc quá trình tố tụng, người phải thi hành án đã thực hiện các biện pháp cần thiết để chuyển giao tài sản hoặc rút toàn bộ nhân sự quan trọng chịu trách nhiệm pháp lý ra khỏi giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp. Trong tình thế này, quá trình thi hành án có thể phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí có thể làm mất đi ý nghĩa của việc thi hành án sau này.
Trên đây là bài viết của TNTP về chủ đề “Vai trò của Luật sư trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại”. Mong rằng bài viết trên đem lại giá trị cho các độc giả trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Trân trọng,