Hiện nay, đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (hay còn gọi tắt là hợp đồng BCC) đang được rất nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, tranh chấp phát sinh từ loại hợp đồng này cũng ngày càng phổ biến. Vì vậy, để hạn chế tranh chấp, các bên cần chú ý ngay từ khâu soạn thảo hợp đồng. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ phân tích về hợp đồng hợp tác kinh doanh và các nội dung chủ yếu của loại hợp đồng này.

1. Thế nào là hợp đồng hợp tác kinh doanh?

Theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Mặt khác, Điều 504 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh là sự thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên (các bên có thể đều là nhà đầu tư trong nước hoặc đều là nhà đầu tư nước ngoài hoặc một bên là nhà đầu tư trong nước và một bên là nhà đầu tư nước ngoài) về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để cùng hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận hoặc phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Ví dụ: Công ty A là một doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, chuyên sản xuất giống cây trồng và đang có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất và xuất khẩu gạo. Công ty B là một công ty được thành lập hợp pháp tại Nhật Bản, chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm về gạo. Công ty B đang có nhu cầu chuyển giao giống để sản xuất và kinh doanh gạo Nhật tại Việt Nam. Công ty A và công ty B ký kết hợp đồng BCC để cùng thực hiện hoạt động hợp tác kinh doanh.

2. Hình thức của hợp đồng hợp tác kinh doanh

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Đầu tư 2020, hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Theo Điều 504 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng hợp tác giữa cá nhân, pháp nhân phải được lập thành văn bản.

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 27 Luật Đầu tư 2020 quy định, hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư. Điều này có nghĩa là hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau phải được lập thành văn bản và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật.

Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh phải được lập thành văn bản. Đây sẽ là cơ sở để xác định tư cách thành viên của hợp đồng. Trên cơ sở nội dung của hợp đồng, mỗi bên sẽ xác định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Ngoài ra, mặc dù pháp luật không quy định hợp đồng này phải được công chứng, chứng thực nhưng nếu các bên trong hợp đồng đều là cá nhân thì hợp đồng nên được công chứng, chứng thực để thuận lợi hơn khi giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán (nếu có).

3. Nội dung chủ yếu của hợp đồng

Căn cứ quy định tại Điều 28 Luật Đầu tư 2020, hợp đồng hợp tác kinh doanh cần có các nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
– Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
– Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
– Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
– Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
– Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Ngoài các nội dung chủ yếu nêu trên, các bên tham gia hợp đồng có thể thỏa thỏa thuận thêm những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung bài viết “Hợp đồng hợp tác kinh doanh – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Hi vọng những thông tin nêu trên hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,