Hiện nay, hoạt động đấu thầu diễn ra vô cùng sôi nổi, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng. Do các dự án xây dựng ngày càng nhiều, thu hút sự chú ý của các nhà thầu nên Nhà nước đã mở rộng quy định về đấu thầu. Trong đó, các nhà thầu cần đặc biệt quan tâm đến tỷ lệ chuyển nhượng công việc khi thi công dự án có vốn ngân sách nhà nước. Những dự án này mang tính chất đặc thù, có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Nếu không cẩn thận, các nhà thầu có thể phải chịu chế tài pháp lý khi chuyển nhượng phần công việc vượt quá tỷ lệ pháp luật cho phép.

1. Nhà thầu chính có được ký Hợp đồng với nhà thầu phụ không?

Theo Khoản 2 Điều 128 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, nhà thầu chính được ký Hợp đồng với nhà thầu phụ. Tuy nhiên, việc ký Hợp đồng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

  • Nhà thầu chính ký kết Hợp đồng với nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;
  • Nhà thầu chính không được sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;
  • Việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chỉ được thực hiện khi được chủ đầu tư chấp thuận;
  • Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện và thanh toán đầy đủ, đúng tiến độ cho nhà thầu phụ theo đúng thỏa thuận giữa nhà thầu chính với nhà thầu phụ.

2. Tỷ lệ chuyển nhượng công việc giữa thầu chính và thầu phụ là bao nhiêu?

Tỷ lệ công việc giữa thầu chính và thầu phụ sẽ do các bên thỏa thuận với nhau trong Hợp đồng thầu phụ. Tuy nhiên, tại Khoản 8 Điều 89 Luật đấu thầu 2013 có quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó có quy định cấm đối với hành vi chuyển nhượng thầu.

Theo đó chuyển nhượng thầu bao gồm: việc nhà thầu chuyển nhượng phần công việc trong gói thầu cho nhà thầu khác có giá trị từ 10% trở lên hoặc là trường hợp dưới 10% nhưng có giá trị giao thầu trên 50 tỷ đồng tính trên giá hợp đồng đã ký kết (sau khi đã trừ đi phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ).

Như vậy, đối với dự án có vốn ngân sách nhà nước, tỷ lệ chuyển nhượng công việc cho nhà thầu khác mà pháp luật cho phép là dưới 10%. Trường hợp nhà thầu chuyển nhượng phần công việc có giá trị đúng 10% cũng bị coi là vi phạm Luật Đấu thấu và là hành vi chuyển nhượng thầu trái phép.

3. Hành vi chuyển nhượng công việc vượt quá tỷ lệ cho phép bị xử lý như thế nào?

  • Về hành chính:

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (“Nghị định số 63”), nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 03 năm đối với hành vi vi phạm tại Khoản 8 và 9 Điều 89 của Luật Đấu thầu.

Ngoài ra, theo Điều 124 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan.

  • Về hình sự:

Căn cứ Điểm g Khoản 1 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, người nào thực hiện hành vi chuyển nhượng thầu trái phép gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Kinh nghiệm cho các nhà thầu chính khi ký Hợp đồng thầu phụ?

Khi trúng thầu dự án có vốn ngân sách nhà nước, các nhà thầu cần lưu ý thực hiện đúng theo Hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật về đấu thầu. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý đối với tỷ lệ chuyển nhượng công việc cho nhà thầu phụ. Tỷ lệ phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và được sự chấp thuận của chủ đầu tư.

Riêng đối với dự án xây lắp, trường hợp nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ vượt quá tỷ lệ trên giá dự thầu thì nhà thầu chính chỉ được thực hiện khi có lý do xác đáng, hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận. Nếu không, nhà thầu chính sẽ bị coi là chuyển nhượng thầu và phải chịu các chế tài của pháp luật (Mục 31 Chương I Phần 1 Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT Quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp).

Khi thực hiện các dự án, các nhà thầu luôn mong muốn có thể làm đúng khối lượng, chất lượng, tiến độ và thu lại lợi nhuận theo giá dự thầu. Do đó, để thực hiện gói thầu một cách thuận lợi, các nhà thầu nên lưu ý và tránh tuyệt đối những hành vi vi phạm về Luật Đấu thầu nói chung và vi phạm về chuyển nhượng thầu nói riêng.

Trên đây là bài viết về Tỷ lệ chuyển nhượng công việc của nhà thầu chính cho nhà thầu phụ. Hy vọng rằng bài viết này là hữu ích với bạn đọc.

Có thể bạn chưa đọc Huy động vốn trái phép trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai thông qua bên thứ ba.

Tham gia Fanpage Giải quyết tranh chấp và Thu hồi nợ để có thêm thông tin pháp lý bổ ích.

Trân trọng.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com