Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền tác giả diễn biến ngày càng phổ biến và phức tạp. Bất kỳ ai đều có thể trở thành người bị xâm phạm quyền tác giả. Quyền tác giả không được bảo vệ tốt sẽ mang lại những nguy cơ nghiêm trọng, những rủi ro đáng kể về mặt lợi ích kinh tế cho chính bản thân tác giả và chủ sở hữu quyền (“chủ thể quyền”). Khi tranh chấp về quyền tác giả xảy ra, chủ thể quyền phải làm gì để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như hạn chế các thiệt hại? Mời các bạn đón đọc bài viết sau để có cái nhìn khái quát về tranh chấp quyền tác giả cũng như những biện pháp giải quyết tranh chấp về quyền tác giả.

1. Khái niệm quyền tác giả

 Quyền tác giả là quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Để được bảo hộ, tác phẩm phải có tính nguyên gốc, không sao chép tác phẩm khác và đáp ứng các điều kiện được bảo hộ theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (“Luật SHTT”) như là Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; Tác phẩm báo chí; Tác phẩm âm nhạc;…

2. Những tranh chấp phổ biến về quyền tác giả

Những tranh chấp phổ biến có liên quan đến quyền tác giả có thể kể đến như:

– Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, tác phẩm phái sinh;

– Tranh chấp giữa các đồng tác giả về phân chia quyền đồng tác giả;

– Tranh chấp giữa cá nhân và tổ chức về chủ thể quyền tác giả tác phẩm;

– Tranh chấp giữa chủ thể quyền tác giả với tác giả về tiền nhuận bút, tiền thù lao cho tác giả sáng tạo tác phẩm trên cơ sở nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng;

– Tranh chấp về thực hiện quyền nhân thân hoặc quyền tài sản của tác giả, chủ thể quyền tác giả;

3. Các phương thức giải quyết tranh chấp về quyền tác giả

–  Phương thức thương lượng, hòa giải

+ Thương lượng:

Khi phát hiện quyền tác giả bị xâm phạm, chủ thể quyền có thể thông báo bằng văn bản yêu cầu người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm. Văn bản thông báo có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.

Sau đó, hai bên liên hệ, trao đổi để giải quyết tranh chấp. Chủ thể quyền có thể yêu cầu bên có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Trong giai đoạn này, các bên tự giải quyết nội bộ với nhau. Với thủ tục giải quyết đơn giản và không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý, phương thức thương lượng giúp các bên tiết kiệm chi phí và giữ được bí mật, uy tín; tuy nhiên kết quả giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào thiện chí và sự hợp tác của hai bên, kết quả thương lượng không được đảm bảo bằng cơ chế pháp lý bắt buộc.

+ Hòa giải:

Với phương thức hòa giải, các bên đàm phán giải quyết với sự trợ giúp của một bên thứ ba độc lập là hòa giải viên. Hòa giải viên giữ vai trò trung gian, độc lập để phân tích cho các bên về bản chất của tranh chấp, quy định pháp luật, giải pháp phù hợp nhất mà các bên có thể chấp nhận nhưng không có quyền xét xử và ra phán quyết. Giống như phương thức thương lượng, kết quả hòa giải phụ thuộc phần lớn vào sự thỏa thuận của các bên và năng lực của hòa giải viên. Đồng thời, các bên sẽ tốn chi phí để mời hòa giải viên.

– Phương thức yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm

Chủ thể quyền có thể gửi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Trước khi gửi đơn yêu cầu, chủ thể quyền phải thông báo cho người có hành vi xâm phạm biết họ đang xâm phạm đồng thời yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm trong thời gian hợp lý. Nếu sau thời gian đó, người xâm phạm không tự nguyện chấm dứt hành vi xâm phạm, chủ thể quyền có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng cách gửi Đơn yêu cầu và cung cấp các chứng cứ chứng minh sự hiện hữu của hành vi xâm phạm. Một hành vi xâm phạm quyền sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc hình sự phụ thuộc tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi. Ngoài bị xử lý hành chính hoặc hình sự, người vi phạm vẫn có thể bị áp dụng biện pháp dân sự để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền.

– Phương thức khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài thương mại

Phương thức này là phương thức cuối cùng khi người xâm phạm quyền không chủ động và tự nguyện thực hiện các yêu cầu chính đáng của chủ thể quyền và các bên không đạt được một thỏa thuận giải quyết tranh chấp cuối cùng. Chủ thể quyền có thể khởi kiện giải quyết tranh chấp về quyền tác giả bằng phương thức trọng tài hoặc khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án có thẩm quyền.

Trên hết, để phòng ngừa những tranh chấp về quyền tác giả có thể xảy ra, chủ thể quyền cần nhận thức được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng cách chủ động đăng ký quyền tác giả với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, như:

  • Cung cấp các thông tin quản lý quyền gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;
  • Cung cấp thông tin quản lý quyền xuất hiện cùng với việc truyền đạt tác phẩm tới công chúng nhằm xác định tác phẩm, tác giả của tác phẩm, chủ thể quyền, thông tin về thời hạn, điều kiện sử dụng tác phẩm và mọi số liệu hoặc mã, ký hiệu thể hiện thông tin đó để bảo vệ quyền tác giả;
  • Áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ các thông tin quản lý quyền, ngăn chặn các hành vi tiếp cận tác phẩm, khai thác bất hợp pháp quyền sở hữu của mình.

Trên đây là các thông tin cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp về quyền tác giả mà chúng tôi đã tổng hợp trong nghiên cứu quy định của pháp luật và dựa trên thực tiễn hiện nay. Hy vọng bài viết của chúng tôi sẽ hữu ích cho các bạn và công việc của các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc:Dịch vụ pháp lý hỗ trợ khách hàng giải quyết tranh chấp thương mại

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp và Thu Hồi Nợ để có thêm kiến thức pháp lý hữu ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com