Tranh chấp thương mại là một hiện tượng phổ biến và thường xuyên diễn ra trong hoạt động của nền kinh tế thị trường. Do tính chất thường xuyên cũng như hậu quả của nó gây ra cho những chủ thể tham gia tranh chấp nói riêng và cho cả nền kinh tế nói chung, pháp luật Việt Nam đã sớm có những quan tâm nhất định đến hoạt động này thể hiện thông qua các chế định cụ thể. Trong bài viết sau đây, TNTP sẽ đưa ra góc nhìn khái quát về tranh chấp thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp điển hình.
I. Khái quát về Tranh chấp thương mại
Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hợp đồng thương mại. Xuất phát từ định nghĩa trên, tranh chấp thương mại có đặc điểm:
● Thứ nhất, tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong mối quan hệ cụ thể.
● Thứ hai, những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phải phát sinh từ hoạt động thương mại.
● Thứ ba, tranh chấp thương mại chủ yếu là tranh chấp giữa các thương nhân.
II. Các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại
Hiện nay, tranh chấp thương mại được giải quyết bằng các phương thức: thương lượng, hòa giải, tòa án và trọng tài thương mại. Mỗi phương thức có sự khác nhau về tính chết pháp lí, nội dung thủ tục, trình tự tiến hành. Các bên có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, phụ thuộc vào lợi thế mà mỗi phương thức có thể mang lại, mức độ phù hợp của phương thức so với nội dung tính chất của tranh chấp và thiện chí của các bên.
● Thương lượng
✔ Thương lượng được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào.
✔ Quá trình thương lượng giữa các bên không chịu sự ràng buộc của quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết.
✔ Kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp mà không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào đảm bảo việc thực thi đối với thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng.
● Hòa giải
✔ Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định.
✔ Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.
● Tòa án
✔ Giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ. Các phán quyết có hiệu lực của Tòa án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.
✔ Tòa án chỉ có thể thụ lý những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, được quy định cụ thể tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
✔ Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án được thực hiện thông qua mô hình hai cấp xét xử: cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Phán quyết của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định.
● Trọng tài thương mại
✔ Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết có tính chất tài phán phi chính phủ thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.
✔ Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên phải được ghi nhận bằng thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
✔ Các bên tranh chấp có thể thống nhất, thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài, Trọng tài viên, địa điểm giải quyết hay luật áp dụng,…
✔ Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị.
✔ Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp có tính riêng biệt. Tính bí mật thể hiện rõ ở việc nội dung tranh chấp và danh tính của các bên được giữ kín, đáp ứng nhu cầu tin cậy trong quan hệ thương mại.
Trên đây là bài viết của TNTP về “Tranh chấp thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp điển hình”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng.