Khi nhắc đến tham nhũng, nhiều người sẽ nghĩ rằng tham nhũng chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, tham nhũng có thể xảy ra cả ở trong các doanh nghiệp tư nhân và khu vực ngoài nhà nước. Tham nhũng trở thành nguyên nhân cản trở sự phát triển và tạo ra các thách thức đối với các doanh nghiệp, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vậy tội phạm tham nhũng trong doanh nghiệp và khu vực ngoài nhà nước được hiểu như thế nào, TNTP sẽ phân tích cụ thể tại bài viết dưới đây.

1. Khái niệm về tham nhũng trong doanh nghiệp tư và khu vực ngoài nhà nước (trong khu vực tư)

Các tổ chức thuộc khu vực ngoài nhà nước có thể hiểu là các tổ chức xã hội, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các công ty và doanh nghiệp do tư nhân đầu tư, quản lý và điều hành. Sau đây được gọi tắt là Các tổ chức/doanh nghiệp trong khu vực tư.

Tham nhũng là các hành vi được thực hiện trong khu vực ngoài nhà nước (khu vực tư) do người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức/doanh nghiệp trong khu vực tư thực hiện bao gồm: (i) Tham ô tài sản; (ii) Nhận hối lộ; (iii) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Đặc điểm của tham nhũng trong các tổ chức/doanh nghiệp trong khu vực tư là người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và nhiệm vụ được giao của mình để vụ lợi cá nhân, làm thiệt hại và đe dọa đến quyền, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức của mình.

2. Tham nhũng trong các tổ chức/doanh nghiệp trong khu vực tư thường được thực hiện bằng cách nào?

Tham nhũng trong khu vực tư có thể tồn tại trong nhiều lĩnh vực và được thực hiện bằng các hành vi khác nhau nhưng thường tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực sau:

  • Quản lý kinh tế – tài chính: Những người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp tư như Giám đốc, Kế toán, Thủ kho, Thủ quỹ,… đều có thể tham nhũng bằng việc gian lận trong việc kê khai chi phí tiêu hao vật tư và thu mua nguyên liệu đầu vào; lập chứng từ kê khai hàng hóa với giá cao hơn khi mua nguyên liệu để “ăn” phần giá chênh lệch; đòi hoa hồng; nhận hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp;…
  • Đầu tư: Đây là lĩnh vực mà tham nhũng trong khu vực tư xảy ra phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp bởi trong lĩnh vực này, tham nhũng có thể xảy ra ở mọi công đoạn từ lúc bắt đầu lập dự án, thiết kế,… cho đến khi nghiệm thu công trình và quyết toán. Các hành vi tham nhũng có thể là thay thế các nguyên vật liệu xây dựng chất lượng tốt và đắt tiền bằng các nguyên vật liệu chất lượng kém và giá thành rẻ hơn để xây dựng công trình, gian lận số liệu đo đạc, “ăn bớt” công đoạn thi công, không thực hiện đúng quy trình thi công, …
  • Giáo dục: Không chỉ ở các cơ sở giáo dục công lập mà tại các cơ sở giáo dục tư nhân, vấn đề gây bức xúc luôn tồn tại là giáo dục đang dần đang bị thương mại hóa. Nhà trường đặt ra các khoản thu bất hợp lý và bắt buộc phụ huynh phải đóng cho con em mình, các giáo viên nhận tiền, quà biếu từ học sinh để chạy điểm nâng thành tích,…

Có thể thấy các hành vi tham nhũng trong khu vực tư sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ đối với hoạt động kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp tư nhân nói riêng mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế của xã hội nói chung. Do vậy, Nhà nước đã điều chỉnh, bổ sung các quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi tham nhũng trong khu vực tư để nghiêm khắc, răn đe và ngăn chặn hành vi này có thể tiếp diễn.

3. Thực hiện hành vi tham nhũng trong khu vực tư có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Trước đây, Bộ luật Hình sự 1999 chỉ quy định về tội phạm tham nhũng trong phạm vi nhà nước do các cán bộ, công chức, viên chức thuộc các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng có thể được thực hiện bởi bất kỳ cá nhân nào có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức hoặc doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân. Do đó, pháp luật về hình sự đã có sự sửa đổi để mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi tham nhũng được thực hiện trong khu vực tư.

Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định tội phạm tham nhũng đối với 02 tội danh là Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ tài sản. Điểm chung của 02 tội danh này là hành vi thực hiện tội danh đều được thực hiện bởi những cá nhân có chức vụ, quyền hạn và họ lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của tổ chức/doanh nghiệp của mình, sách nhiễu, dùng thủ đoạn xảo quyệt để bắt buộc người hoặc tổ chức khác hối lộ cho mình.

Như vậy, vấn đề tham nhũng trong các tổ chức/doanh nghiệp trong khu vực tư cần được phòng chống, kiểm soát nghiêm túc. Nhà nước cần liên tục cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hình sự nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý đối với tội phạm tham nhũng để hạn chế tối đa các hành vi tham nhũng ở Việt Nam.

Trên đây là bài viết về “Tội phạm tham nhũng trong doanh nghiệp và khu vực ngoài nhà nước” TNTP muốn gửi đến độc giả. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn.

Có thể bạn chưa đọc Nhân viên chiếm đoạt tiền của công ty – Có phải tội phạm?

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư: Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com