Cho đến nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới và tác động tiêu cực đến các nền kinh tế. Theo đó dẫn đến tình trạng hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam gặp khó khăn và sẽ không đủ khả năng để tiến hành hoàn tất nghĩa vụ thanh toán các công nợ của doanh nghiệp theo Hợp đồng đã giao kết giữa hai bên (“Hợp đồng”). Trong bài viết này chúng tôi sẽ đề cập đến thẩm quyền của Tòa án khi doanh nghiệp khởi kiện yêu cầu thu hồi công nợ hay giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại.

Khi tranh chấp Hợp đồng phát sinh, trong trường hợp tại Hợp đồng hai bên không thỏa thuận về thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì có thể được giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án được xác định theo bốn bước như sau:

Bước 1: Thẩm quyền theo vụ việc.

Tranh chấp phát sinh trong bài viết chúng tôi đề cập là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa tổ chức có đăng kí kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Thẩm quyền theo cấp xét xử.

Tranh chấp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp có thể xảy ra trường hợp cả hai bên đều được thành lập và hoạt động tại Việt Nam hoặc một trong hai bên thành lập và hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp đó:

  • Nếu tranh chấp giữa doanh nghiệp mà cả hai bên đều được thành lập và hoạt động tại Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của Tòa án nhân dân cấp huyện;
  • Nếu tranh chấp giữa doanh nghiệp mà một trong hai bên thành lập và hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Bước 3: Thẩm quyền theo lãnh thổ.

Đối với thẩm quyền theo lãnh thổ thì có thể xác định như sau:

  • Trong trường hợp tại Hợp đồng hai bên có thỏa thuận yêu cầu Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn giải quyết tranh chấp hợp đồng, thì Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp xảy ra; và
  • Trong trường hợp tại Hợp đồng hai bên không có thỏa thuận thì Tòa án nơi bị đơn có trụ sở có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Bước 4: Thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn.

Nguyên đơn – người khởi kiện trong trường hợp này có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại như sau:

  • Trường hợp không biết trụ sở của bị đơn – người bị kiện thì có thể yêu cầu Tòa án nơi là trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
  • Trường hợp bị đơn không có trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình có trụ sở giải quyết; và
  • Trường hợp tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chị nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc có chi nhánh giải quyết.

Theo đó, doanh nghiệp có thể căn cứ vào Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án để có thể xác định được nơi tiến hành nộp Đơn khởi kiện để yêu cầu thu hồi công nợ hay giải quyết tranh chấp, tránh tình trạng mất thời gian để chuyển Đơn đến tòa án có thẩm quyền để giải quyết.

Như vậy, để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình được pháp luật bảo vệ, các Doanh nghiệp cần hết sức lưu ý các vấn đề về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án. Trên đây là quan điểm của TNTP, TNTP hy vọng bài viết này hữu ích với các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn quan tâm đến:  06 việc không được làm khi yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ quá hạn

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP & Các Cộng sự
Địa chỉ: Tầng 4 số 200 Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com