Trong quá trình thu hồi công nợ nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng, thương lượng là một phương án để thu hồi công nợ. Tuy nhiên không phải mọi quá trình thương lượng đều có thể đem lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về việc thương lượng thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng có hiệu quả không.

1. Thương lượng là gì

Thương lượng là việc mà các bên trong một tranh chấp sẽ tiến hành việc trao đổi để tìm hiểu, dàn xếp, nhượng bộ để tháo gỡ những bất đồng phát sinh nhằm tìm ra một phương án chung có thể giải quyết tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào. Trong các phương thức giải quyết tranh chấp thì thương lượng được coi là là phương thức phổ biến và dễ dàng được thực hiện trong trường hợp các bên đều có thiện chí để giải quyết vụ việc, tương tự trong thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng thì thương lượng là một phương pháp hiệu quả mà doanh nghiệp nên sử dụng.

2. Đặc điểm của thương lượng

a) Chỉ có thể tiến hành dựa trên tinh thần tự nguyện, thiện chí, hợp tác

Đặc điểm đầu tiên của thương lượng là việc các bên đều phải có thiện chí giải quyết vụ việc, thiện chí được thể hiện khi các bên có thể cùng thống nhất trao đổi để đưa ra những quan điểm, yêu cầu dựa trên sự cân bằng về lợi ích giữa các bên nhằm tìm ra phương án giải quyết tối ưu nhất. Nếu một trong các bên không có sự tự nguyện và thiện chí thì không thể tiến hành việc thương lượng.

Đây là sự khác biệt cơ bản giữa thương lượng với các hình thức giải quyết tranh chấp khác khi thương lượng không chỉ là việc một bên có thể đưa ra yêu cầu với bên còn lại, mà là việc hai bên trao đổi để cùng nhau thống nhất một phương án tốt nhất cho cả hai. Khi đó các bên phải chấp nhận rằng lợi ích của bên còn lại sẽ phải được cân bằng với lợi ích của chính mình chứ không phải chỉ một bên được lợi và bên còn lại chịu bất lợi. Do đó,thương lượng có thể rất khó khăn hoặc dễ dàng tùy thuộc vào thái độ, cách thể hiện quan điểm và lợi ích của các bên.

b) Có nhiều ưu điểm so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác

– Không bị rằng buộc bởi các thủ tục pháp lý hay các bên thứ ba. Chỉ cần các bên phát sinh tranh chấp tham gia nên đây là phương thức giải quyết công nợ hiệu quả và linh hoạt

– Do chỉ bao gồm các bên trong tranh chấp nên đây là phương thức giải quyết công nợ có tính bảo mật cao, đặc biệt là không làm tổn hại danh dự, uy tín cũng như mối quan hệ hợp tác giữa các bên nếu thương lượng thành công
– Không tốn kém chi phí hoặc lệ phí so với việc khởi kiện hoặc giải quyết tranh chấp tại Tòa án/Trọng tài thương mại. Các chi phí nếu có chỉ bao gồm việc di chuyển và các chi phí do các bên thỏa thuận, không chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

– Thời gian giải quyết nhanh chóng nếu các bên có thể thống nhất phương án giải quyết, thời gian thanh toán khoản nợ có thể ngay sau khi các bên ký kết thỏa thuận chung để giải quyết công nợ.

3. Hạn chế của thương lượng thu hồi công nợ

Tuy có nhiều ưu điểm trong giải quyết tranh chấp nhưng thương lượng thu hồi công nợ có một số hạn chế như sau:

– Điều kiện bắt buộc là tất cả các bên phải có thiện chí giải quyết vụ việc, nếu không sẽ không thể đưa ra thỏa thuận giải quyết vụ việc.

– Thỏa thuận đạt được trong phương thức thương lượng không có tính cưỡng chế thi hành mà phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên. Do đó nếu một bên không thiện chí thực hiện thỏa thuận sẽ khiến thỏa thuận không còn giá trị.

– Chủ nợ phải chấp nhận phương án giải quyết tranh chấp bất lợi hơn khi phải chia sẻ lợi ích của mình với bên nợ. Khi đó có thể khoản tiền thu hồi được sẽ ít hơn so với khoản nợ thực tế.

Do đó, việc tiến hành phương án thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng có thể đem lại lợi ích hoặc bất lợi cho doanh nghiệp. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc những lợi ích và bất lợi để lựa chọn việc thương lượng hiệu quả sao cho đảm bảo quyền lợi của mình. Như vậy có thể thấy thương lượng là một phương án giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng hiệu quả, tuy nhiên việc thương lượng không phải luôn đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Trên đây là bài viết về quan điểm về việc thương lượng thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng có hiệu quả không của luật sư TNTP. Mong rằng bài viết này có ích với các độc giả.

Trân trọng,