Trong một số trường hợp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, các bên không thể thực hiện hợp đồng đúng theo thỏa thuận của các bên, trong đó có thể kể đến nguyên nhân là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Sau đây, chúng tôi sẽ phân tích về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
1. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 (“BLDS”), hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện:
- Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng. Nguyên nhân khách quan được xác định là nguyên nhân xuất phát không phụ vào ý thức chủ quan của các bên.
Trường hợp một trong các bên thực hiện hành vi để hợp đồng không được thực hiện hoặc được thực hiện nhưng không đúng và đầy đủ thì không được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Bên có lỗi sẽ phải thực hiện hợp đồng và phải bồi thường nếu gây ra thiệt hại hoặc chịu phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận.
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh. Việc xác định là có hay không việc các bên không lường trước được hoàn cảnh thay đổi phụ thuộc vào mức độ trung thực, thiện chí của các bên.
- Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, các bên đã không lường trước được là sau khi giao kết hợp đồng thì sẽ xảy ra hoàn cảnh được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
- Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Như vậy có thể hiểu rằng, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì các bên vẫn có thể tiếp tục thực hiện được hợp đồng, tuy nhiên việc thực hiện hợp đồng sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho một trong các bên.
Việc tiếp tục hay chấm dứt thực hiện hợp đồng phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Một bên trong hợp đồng sẽ không có quyền đơn phương thay đổi nội dung hợp đồng, trường hợp tự ý thay đổi nội dung hợp đồng mà không có sự đồng ý của bên còn lại thì sự thay đổi này sẽ không phát sinh hiệu lực và nếu gây ra thiệt hại thì bên có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Trường hợp bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của hoàn cảnh không áp dụng biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép của mình để ngăn chặn thì sẽ không được coi là sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản. Theo đó bên có lợi ích bị ảnh hưởng sẽ phải chịu rủi ro khi xảy ra thiệt hại.
2. Hướng giải quyết khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
- Các bên thỏa thuận với nhau: Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên còn lại đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Đây được coi là một trong những phương hướng giải quyết nên được áp dụng trước tiên vì có tính hữu hiệu nhất. Các bên thiện chí thỏa thuận thì có thể giải quyết được vấn đề nhanh chóng và kịp thời.
- Các bên không thỏa thuận được với nhau: Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Tòa án có thể giải quyết theo hai hướng sau:
- Chấm dứt hợp đồng mà trước đó các bên đã giao kết tại một thời điểm xác định, thời điểm này có thể do các bên đề xuất, yêu cầu hoặc do Tòa án xác định trong một khoảng thời gian hợp lý sau khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản;
- Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
3. Sự khác nhau giữa hoàn cảnh thay đổi cơ bản với sự kiện bất khả kháng
Hoàn cảnh thay đổi cơ bản và sự kiện bất khả kháng đều là những sự thay đổi hoàn cảnh do sự tác động từ yếu tố khách quan, làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng mà các bên không thể lường trước được. Ngoài những điểm giống nhau thì hoàn cảnh thay đổi cơ bản với sự kiện bất khả kháng còn có những điểm khác nhau nhất định, việc xác định trường hợp nào được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản và trường hợp nào được coi là sự kiện bất khả kháng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như hậu quả pháp lý của việc thực hiện hợp đồng.
Sự khác nhau giữa hoàn cảnh thay đổi cơ bản với sự kiện bất khả kháng được thể hiện qua các tiêu chí như sau:
- Về việc thực hiện hợp đồng: khi xuất hiện sự kiện bất khả kháng, các bên sẽ không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, còn đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì các bên vẫn có thể tiếp tục thực hiện được hợp đồng. Ví dụ, do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nên giá thành của sản phẩm cũng tăng theo, nếu bên bán vẫn bán sản phẩm cho bên mua theo giá đã thỏa thuận thì bên bán sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, tuy nhiên bên bán vẫn có thể thực hiện việc bán hàng cho bên mua. Đây được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Trường hợp khác, do dịch bệnh Covid-19 mà Trung Quốc buộc phải cấm xuất nhập cảnh khiến hàng hóa của Việt Nam không thể vận chuyển cho bên mua tại Trung Quốc, trường hợp này được coi là sự kiện bất khả kháng.
- Về nghĩa vụ của các bên: khi phát sinh sự kiện bất khả kháng nếu như các bên không có thỏa thuận khác thì bên có nghĩa vụ sẽ không bắt buộc phải thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ mà trước đó các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Còn khi phát sinh hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng hoặc khi Tòa án đang giải quyết vụ việc thì các bên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp một bên không thực hiện hợp đồng hoặc thực hiện không đúng và đầy đủ mà gây ra thiệt hại thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc chịu phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận.
4. Những lưu ý của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
- Các bên cần dự liệu trước về cách giải quyết khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản để từ đó quy định, thỏa thuận những hướng giải quyết phù hợp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
- Trong trường hợp các bên yêu cầu Tòa án giải quyết thì cần lưu ý là Tòa án sẽ chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
- Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sẽ không phải thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản cho đến khi được vụ việc giải quyết. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì các bên vẫn phải tiếp thực hiện nghĩa các nghĩa vụ của mình.
Trên đây là bài viết “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.