Trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại theo tố tụng trọng tài, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trước khi Hội đồng trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng. Biện pháp này không chỉ nhằm ngăn chặn những tổn thất không thể khắc phục mà còn góp phần đảm bảo hiệu quả cho quá trình thi hành phán quyết sau này. Tuy nhiên, việc yêu cầu và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật và các quy tắc trọng tài mà các bên đã thỏa thuận. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích chi tiết về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Hội đồng trọng tài để các bên thực hiện hiệu quả quyền lợi của mình.

1. Bước 1: Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp đơn yêu cầu, tài liệu và chứng cứ kèm theo đến Hội đồng trọng tài

a) Người có quyền yêu cầu

Theo Điều 48 Luật Trọng tài Thương mại 2010, các bên tranh chấp có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài thương mại.

b) Thời điểm yêu cầu

Luật Trọng tài thương mại năm 2010 không quy định rõ thời điểm một bên trong tranh chấp có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, theo quy trình tố tụng trọng tài thông thường, chỉ khi nào Hội đồng trọng tài được thành lập thì các bên mới có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Quy tắc Trọng tài SIAC cũng quy định thời điểm yêu cầu là sau khi Hội đồng trọng tài thành lập, Nguyên đơn sẽ gửi cho Bị đơn và Hội đồng trọng tài Bản trình bày khiếu nại trong đó nêu rõ biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu cung với giá trị của tất cả các khiếu nại có thể xác định được số tiền, hoặc Bị đơn gửi cho Nguyên đơn và Hội đồng trọng tài Bản biện hộ trong đó nêu chi tiết biện pháp khẩn cấp tạm thời được yêu cầu.

c) Nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu

Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ là cơ sở để Hội đồng trọng tài giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nội dung của đơn yêu cầu được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 50 Luật Trọng tài Thương mại 2010. Theo đó, bên có yêu cầu phải gửi kèm các tài liệu, chứng cứ chứng minh sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

2. Bước 2: Hội đồng trọng tài tiếp nhận, xem xét yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Việc xem xét, giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được quy định tại Khoản 2,3,4 Điều 50 Luật Trọng tài Thương mại 2010. Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nếu Hội đồng trọng tài nhận thấy yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không có căn cứ, không cần thiết, Hội đồng trọng tài sẽ không chấp nhận yêu cầu. Việc không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được Hội đồng trọng tài thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho bên yêu cầu biết.

Trường hợp Hội đồng trọng tài nhận thấy yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có căn cứ thì Hội đồng trọng tài sẽ chấp nhận. Sau đó, Hội đồng trọng tài sẽ tiếp tục xem xét việc thực hiện việc bảo đảm tài chính của người có đơn yêu cầu theo quy định tại Điều 49 Luật Trọng tài Thương mại 2010.

3. Bước 3: Buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính

Theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính. Tài sản bảo đảm thường là tiền, giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo mức mà Hội đồng trọng tài ấn định. Giá trị của tài sản thông thường sẽ đủ để bù đắp những thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra. Khoản đảm bảo này được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng trọng tài chỉ định.

Như vậy, về nguyên tắc, nếu người có quyền yêu cầu không có tài sản để bảo đảm thì người đó sẽ không được Hội đồng trọng tài chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

4. Bước 4: Quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và những căn cứ kèm theo về sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ngay sau khi người có quyền yêu cầu thực hiện xong biện pháp bảo đảm tài chính trong thời hạn ba (03) ngày, Hội đồng trọng tài ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trên đây là bài viết “Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài” mà TNTP gửi đến độc giả.

Trân trọng,