Hiện nay trong kinh doanh, việc doanh nghiệp thường xuyên gặp phải tình trạng phát sinh nợ không hiếm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa biết cách đánh giá và thu hồi các khoản nợ, để khoản nợ kéo dài, thậm chí là để mất luôn khoản nợ đó. Không phải khoản nợ nào cũng là nợ khó đòi, nhưng các doanh nghiệp vẫn thu hồi nợ không thành công. Vậy nguyên nhân của vấn đề này từ đâu? Bài viết này sẽ trả lời cho câu hỏi trên.

1. Doanh nghiệp không giữ liên lạc thường xuyên và các thông tin liên quan với bên nợ

Trong quan hệ hợp tác, ngay cả những khách hàng, đối tác quen thuộc cũng có nguy cơ bị phát sinh nợ. Việc doanh nghiệp lại không thường xuyên giữ liên lạc với bên nợ, thậm chí là quên bẵng đi khoản nợ vài năm đã tạo điều kiện cho bên nợ trốn tránh nghĩa vụ thanh toán, để nợ kéo dài nhiều năm. Đến khi doanh nghiệp đi “đòi” thì bên nợ đã không còn hoạt động tại địa chỉ ban đầu nữa, thậm chí còn đổi số điện thoại, người đại diện theo pháp luật,… khiến việc thu hồi nợ không thành công.

Giải pháp cho vấn đề này là trong quá trình hợp tác, dù là khách hàng, đối tác mới hay khách hàng, đối tác quen thuộc thì doanh nghiệp cũng cần phải thường xuyên giữ liên lạc và nắm bắt các thông tin mới nhất về địa chỉ, tình trạng hoạt động, số điện thoại, người đại diện theo pháp luật của khách hàng, đối tác. Khi phát sinh nợ, doanh nghiệp phải thường xuyên liên hệ nhắc nhở bên nợ thanh toán để họ không quên đi nghĩa vụ trả nợ và không có cơ hội trốn tránh.

2. Doanh nghiệp áp dụng biện pháp thu hồi nợ trái pháp luật

Một trong những việc doanh nghiệp cần tránh khi gặp nợ khó đòi là thu hồi nợ trái pháp luật. Để hiểu rõ các hành vi nào bị coi là thu hồi nợ trái pháp luật, các bạn đọc có thể tham khảo bài viết “06 việc không được làm khi yêu cầu bên có nghãi vụ thanh toán khoản nợ quá hạn”. Hệ lụy của việc thu hồi nợ trái pháp luật là bên nợ có thể dựa vào đó để tố cáo hành vi của doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, doanh nghiệp không những thu hồi nợ không thành công mà còn bị xử phạt vi phạm hành chính.

Phương thức giải quyết cho vấn đề này là doanh nghiệp hiểu rõ và chỉ thực hiện các hành vi thu hồi nợ không trái với quy định pháp luật.

3. Doanh nghiệp không có biện pháp thích hợp cho từng bên nợ

Khi thu hồi nợ, doanh nghiệp cần phải hiểu rằng không phải bên nợ nào cũng giống nhau. Có bên nợ có thiện chí, có bên nợ không có thiện chí trả nợ. Tùy vào đối tượng có nợ cần thu hồi, doanh nghiệp sẽ phân loại và xây dựng các biện pháp thích hợp. Trên thực tế, nhiều trường hợp bên nợ có thiện chí thì doanh nghiệp lại dùng những biện pháp cứng rắn khiến họ không thoải mái và không muốn tiếp tục hợp tác, còn đối với bên nợ không có thiện chí thì doanh nghiệp lại thả lỏng và bên nợ lợi dụng sự buông lỏng đó để trốn tránh khoản nợ.

Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp chỉ cần lưu ý áp dụng biện pháp cũng như thái độ hợp lý đối với từng bên nợ. Đối với bên nợ có thiện chí trả nợ thì doanh nghiệp nên khuyến khích nhắc nhở một cách lịch sự, còn với bên nợ không có thiện chí thì doanh nghiệp nên có những biện pháp cứng rắn và mạnh hơn như khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của bên nợ để gây sức ép, buộc bên nợ phải thanh toán khoản nợ.

4. Doanh nghiệp e ngại việc khởi kiện

Trong nhiều trường hợp, nếu bên nợ tìm mọi cách để thoái thác nghĩa vụ thanh toán của mình thì cách khả thi nhất để thu hồi nợ khi đó là tiến hành khởi kiện. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn e ngại việc khởi kiện ra tòa là bởi thời gian kiện tụng kéo dài, chi phí cao, phải chuẩn bị nhiều hồ sơ, tài liệu, lo sợ bị mất uy tín với khách hàng, đối tác.

Biện pháp cho vấn đề này là doanh nghiệp nên cân nhắc việc khởi kiện nếu giá trị khoản nợ đủ lớn để bỏ thời gian, công sức và tiền bạc cho kiện tụng. Trường hợp doanh nghiệp không muốn bị mất uy tín với khách hàng, đối tác thì doanh nghiệp có thể thỏa thuận với bên nợ ngay từ khi ký hợp đồng về cơ quan giải quyết khi có tranh chấp là Trung tâm trọng tài thương mại bởi theo Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài trong Luật trọng tài thương mại 2010 thì giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trên đây là những nguyên nhân dẫn tới việc thu hồi nợ không thành công, TNTP đã chỉ ra các cách khắc phục cho các Doanh nghiệp. TNTP hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn cần Dịch vụ pháp lý thu hồi nợ trong hoạt động thương mại.

Tham gia Fanpage Giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com