Mọi doanh nghiệp dù lớn hay bé, hoạt động trong lĩnh vực nào cũng luôn phải đối mặt với việc phát sinh công nợ. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc thu hồi nợ của doanh nghiệp được xem là cực kỳ quan trọng vì nó không những tác động trực tiếp đến nguồn vốn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến các kế hoạch tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy việc thu hồi nợ của doanh nghiệp dễ hay khó? Bài viết này sẽ đề cập đến những yếu tố gây ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của doanh nghiệp.

1. Điều kiện thanh toán của bên nợ

Điều kiện thanh toán của bên nợ là năng lực về tài chính của doanh nghiệp đó để đáp ứng nhu cầu thanh toán các khoản nợ của mình. Đây là yếu tố quan trọng nhất để quyết định khả năng thu hồi nợ của doanh nghiệp bởi mục tiêu của doanh nghiệp là lấy lại được khoản tiền mà bên nợ chưa trả. Vì thế trường hợp bên nợ không có tiền, tài sản, không có khả năng thanh toán thì dù doanh nghiệp dùng biện pháp nào cũng không thể thu hồi khoản nợ đó.

Do đó, trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp nên thường xuyên chú ý đến tình trạng hoạt động của đối tác, khách hàng. Nếu nợ phát sinh khi đối tác, khách hàng đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp yêu cầu đối tác, khách hàng thanh toán khoản nợ sớm nhất có thể trước khi đối tác, khách hàng mất khả năng thanh toán. Qua đó, việc thu hồi nợ của doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn.

2. Thái độ, thiện chí thanh toán của bên nợ

Thái độ, sự thiện chí của bên nợ cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thu hồi nợ của doanh nghiệp. Nếu bên nợ có thiện chí, chủ động thanh toán đúng hạn khi có tiền thì khả năng thu hồi nợ của của doanh nghiệp sẽ cao. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bên nợ có khả năng thanh toán nhưng cố tình chây ỳ, trốn tránh việc thanh toán khoản nợ hoặc họ sẽ ưu tiên dùng khoản tiền đó để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của họ thay vì để trả nợ. Khi đó, khoản nợ đó có thể sẽ kéo dài và khả năng thu hồi của doanh nghiệp sẽ khó.

Theo nguyên tắc giải quyết dân sự theo pháp luật của Việt Nam thì luôn khuyến khích và tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Do đó, khi phát sinh các khoản nợ, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với bên nợ về phương án trả nợ trước. Trường hợp bên nợ không có thiện chí hoặc có thái độ không hợp tác, trốn tránh việc thanh toán khoản nợ thì khi đó doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp cứng rắn, đưa ra các căn cứ pháp lý và cảnh báo về những khả năng mà bên nợ sẽ phải chịu nếu bên nợ tiếp tục chây ỳ không thanh toán.

3. Các biện pháp thu hồi nợ của doanh nghiệp

Doanh nghiệp nên áp dụng đa dạng những chính sách, biện pháp thu hồi nợ. Đối với mỗi bên nợ khác nhau, doanh nghiệp có thể lựa chọn biện pháp khác nhau. Những hình thức thu hồi nợ mà doanh nghiệp có thể áp dụng như: gọi điện nhắc nhở, gửi công văn, đòi nợ trực tiếp hay uỷ quyền cho người đại diện tiến hành những thủ tục pháp lý thu hồi nợ.

Nếu áp dụng các biện pháp thích hợp cho từng đối tượng, bên nợ thì khả năng thu hồi nợ của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Việc áp dụng các biện pháp thu hồi nợ trái pháp luật hoặc không thích hợp đối với bên nợ (ví dụ như với bên có thiện chí lại cứng rắn và với bên không có thiện chí lại buông lỏng) có thể khiến việc thu hồi nợ của doanh nghiệp khó khăn hơn rất nhiều.

Do đó, tùy vào từng đối tượng, bên nợ, doanh nghiệp nên linh hoạt áp dụng các biện pháp cho phù hợp nhằm giúp cho việc thu hồi nợ được nhanh chóng, dễ dàng.

4. Thời điểm thích hợp để thu hồi nợ của doanh nghiệp

Thứ nhất, về thời điểm thích hợp để thu hồi nợ kể từ khi phát sinh nợ: Doanh nghiệp có thể tham khảo bài viết “Kể từ thời điểm phát sinh nợ, chủ nợ nên thu hồi nợ khi nào?”. Theo đó, thời điểm thích hợp nhất để thu hồi nợ là từ 1 đến 3 tháng đầu kể từ khi nợ phát sinh. Từ 3 đến 12 tháng kể từ khi khoản nợ phát sinh, khả năng thu hồi nợ là khó. Thời gian từ 1 năm trở lên thì tỷ lệ thu hồi nợ thành công thấp. Các khoản nợ phát sinh trên 3 năm thì cực kỳ khó đòi.

Do đó, ngay khi phát sinh nợ, doanh nghiệp nên tiến hành các biện pháp để đòi nợ, tránh để khoản nợ kéo dài dẫn đến khó có thể thu hồi và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, về thời điểm thích hợp trong năm để thu hồi nợ: Doanh nghiệp có thể tham khảo bài viết “Thời điểm chủ nợ nên thu hồi nợ trong năm”. Quý III của năm là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp tiến hành thu hồi nợ. Quý I và Quý II là khoảng thời gian đầu năm, thời điểm này việc kinh doanh của bên nợ mới bắt đầu có lợi nhuận nên cũng sẽ có khả năng trả nhưng không cao. Thời điểm IV tức cuối năm là khoảng thời gian các doanh nghiệp phải tổng kết thu chi và có nhiều khoản phải chi nên không phải là một thời điểm thích hợp để thu hồi nợ.

Do đó, doanh nghiệp nên tiến hành việc thu hồi nợ vào thời điểm là quý III của năm.

Trên đây là những nội dung và chia sẽ pháp lý về vấn đề Thu hồi nợ của doanh nghiệp dễ hay khó. TNTP hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Dịch vụ pháp lý thu hồi nợ trong hoạt động thương mại.

Tham gia Fanpage Giải quyết tranh chấp và Thu hồi nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư: Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com