Trong quá trình kinh doanh hoặc có những mục đích khác mà bên vay cần có vốn hoặc tài chính để giải quyết những khó khăn về kinh tế thì việc ký hợp đồng vay tài sản là một trong những cách để khắc phục vấn đề khó khăn đó. Các bên sẽ thỏa thuận và cam kết về việc cho vay, số tiền cho vay, thời hạn thanh toán, lãi cho vay trong hạn và lãi cho vay quá hạn. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp, bên vay đã không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán đúng hạn cho bên cho vay, thậm chí né tránh, chây ỳ không chịu thanh toán, ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện đối với bên cho vay. Vậy thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng vay tài sản được quy định như thế nào?

1. Khái quát về thời hiệu khởi kiện

  • Theo quy định tại Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (“BLDS 2015”) thì thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Cụ thể hơn, đối với tranh chấp về hợp đồng nói chung thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

  • Có thể hiểu đơn giản là khi thời hạn thanh toán trong hợp đồng vay tài sản đã hết nhưng bên vay chưa thanh toán cho bên cho vay, lúc này quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay đã bị xâm phạm và thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày sau ngày thời hạn thanh toán cuối cùng cho đến 03 năm sau. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thời hiệu khởi kiện sẽ chỉ áp dụng đối với khoản nợ lãi phát sinh đã được quy định tại hợp đồng vay tài sản (không áp dụng cho khoản nợ gốc – tức là việc khởi kiện đòi tài sản đối với khoản nợ gốc sẽ không bị giới hạn như đối với khoản lãi).

2. Cách giải quyết khi thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng vay tài sản đã hết

  • Trên thực tế vì nhiều lý do mà bên cho vay đã để thời hiệu khởi kiện của mình trôi đi và kết thúc. Đến khi bên cho vay muốn khởi kiện yêu cầu bên vay thanh toán khoản nợ gốc và cả khoản nợ lãi phát sinh từ khoản nợ gốc thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu trả khoản nợ lãi đã hết thời hạn. Vậy pháp luật đã quy định như thế nào để bảo vệ quyền khởi kiện yêu cầu trả khoản nợ lãi cho bên cho vay?

Căn cứ Điều 157 BLDS 2015 quy định bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự:

“1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

c) Các bên đã tự hòa giải với nhau.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.”

  • Dựa theo kinh nghiệm của TNTP và căn cứ vào quy định trên, tuy đã hết thời hiệu khởi kiện đối với các khoản nợ lãi nhưng trường hợp bên vay xác nhận và thừa nhận bằng văn bản là sẽ thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản lãi phát sinh từ hợp đồng vay tài sản cho bên cho vay thì thời hiệu khởi kiện có thể được tính lại bắt đầu từ ngày sau sự kiện bên vay thừa nhận bằng văn bản diễn ra.
  • Việc xác nhận và thừa nhận nghĩa vụ thanh toán nợ lãi cho bên cho vay có thể được thể hiện bằng Biên bản và được ký bởi hai bên; hoặc
  • Sau khi bên cho vay gửi Đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, bên vay thừa nhận nghĩa vụ thanh toán nợ lãi tại các buổi làm việc và được lập thành Biên bản lấy lời khai tại Tòa án.

Khi đó, thời hiệu khởi kiện sẽ được tính lại và bên cho vay hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu bên vay thanh toán cả khoản lãi phát sinh bên cạnh khoản nợ gốc.

Trên đây là những phân tích của chúng tôi về thời hiệu khởi kiện trong giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản, hi vọng bài viết giúp ích cho bạn.

Trân trọng,