Tuy hoạt động thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng là điều vô cùng quan trọng và có tác động lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp hoặc của các tổ chức, cá nhân trong mọi ngành nghề của xã hội nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tiến hành hoạt động thu hồi công nợ hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khả năng thu hồi nợ thấp là không xác định được đâu là thời điểm thuận lợi và khó khăn khi thu hồi công nợ. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về thời điểm như thế nào được coi là khó khăn khi thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng.

1. Thế nào là công nợ trong lĩnh vực xây dựng?

Lĩnh vực xây dựng bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau có liên quan và tác động lẫn nhau, từ nguyên vật liệu, kiến trúc, kết cấu công trình, bất động sản, địa chính,… Theo đó, các khoản công nợ phát sinh trong lĩnh vực xây dựng cũng rất đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên TNTP sẽ chỉ đề cập đến các khoản công nợ trong việc thực hiện các dự án bất động sản thương mại– một trong những hoạt động thường xuyên phát sinh công nợ khó thu hồi.

Việc xác định một thời điểm như thế nào là khó thu hồi còn phụ thuộc vào việc bên nợ có vai trò như thế nào trong việc thực hiện hợp đồng, số lượng của khoản nợ, khả năng tài chính của bên nợ,… TNTP sẽ đưa ra quan điểm để xác định thời điểm khó thu hồi nợ dưới đây

2. Thời điểm khó khăn khi thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng

Một khoản nợ được coi là khó thu hồi là thời điểm tính từ khi phát sinh công nợ cho đến khi bắt đầu quá trình thu hồi là trên 12 tháng. Khi đó doanh nghiệp đã bỏ lỡ thời gian thuận lợi để triển khai các biện pháp phòng ngừa hoặc thu hồi nợ bởi các lý do sau:

a) Bên nợ không còn khả năng thanh toán

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc một khoản nợ có thời gian phát sinh quá lâu sẽ khó có khả năng thu hồi là việc bên nợ đã có thể không còn khả năng tài chính để thanh toán. Thời gian 12 tháng không phải quá dài nhưng nhiều sự kiện không thể lường trước có thể dẫn đến việc bên nợ không còn khả năng hoạt động hiệu quả,thậm chí dẫn đến việc phá sản, giải thể. Khi đó, doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn để có thể tiến hành thu hồi công nợ ngoài việc khởi kiện đến các cơ quan giải quyết tranh chấp nếu bên nợ không còn thiện chí thanh toán. Kể cả khi các cơ quan giải quyết tranh chấp ban hành Phán quyết/ Quyết định / Bản án có hiệu lực công nhận yêu cầu bên nợ phải thanh toán thì doanh nghiệp chỉ có thể thu hồi được khoản nợ nếu bên nợ vẫn còn tiền hoặc tài sản. Nếu thời điểm tiến hành các công việc thu hồi nợ quá muộn thì các tài sản của bên nợ có thể cũng không còn và doanh nghiệp có thể không thu hồi được bất cứ khoản tiền nào.

b) Tổng hợp tài liệu về khoản nợ mất nhiều thời gian

Khi bên nợ không phải thanh toán khoản nợ quá lâu sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp khó có thể yêu cầu bên nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán do quá trình tổng hợp số liệu sẽ mất rất nhiều thời gian. Các tài liệu về khoản nợ có thể bao gồm các hóa đơn, đề nghị thanh toán, đối chiếu công nợ giữa doanh nghiệp và bên nợ. Dựa trên kinh nghiệm thực tế của TNTP, các tài liệu này thường được kế toán hoặc các bộ phận văn thư của doanh nghiệp lưu trữ sau thời điểm một năm để chuẩn bị cho năm hoạt động sắp tới. Các giấy tờ sau khi bị lưu trữ trong thời gian dài có thể dẫn đến việc bị thất lạc hoặc điều kiện bảo quản không tốt dẫn đến các tài liệu này bị hủy hoại, đó là chưa kể đến việc các nhân viên phụ trách của doanh nghiệp luân chuyển công tác hay nghỉ việc sẽ không thể đảm bảo việc lưu trữ các tài liệu này do thời gian khoản nợ đã phát sinh từ lâu.

Hơn nữa, nếu doanh nghiệp tiến hành việc khởi kiện bên nợ tại các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nhưng không cung cấp được các tài liệu trên để chứng minh yêu cầu khởi kiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của doanh nghiệp. Thậm chí các cơ quan có thẩm quyền có thể không chấp nhận yêu cầu khởi kiện vì doanh nghiệp không nộp được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu bên nợ thanh toán khoản nợ.

Như vậy có thể thấy việc tổng hợp tài liệu mất nhiều thời gian sẽ khiến doanh nghiệp không thể tiến hành các biện pháp thu hồi công nợ hiệu quả dẫn đến việc không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Thời điểm khó khăn khi thu hồi công nợ trong lĩnh vực xây dựng”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.

Trân trọng,