Trong bài viết kỳ trước, TNTP đã phân tích cho bạn đọc về rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa và thời điểm chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định. Trong bài viết kỳ này, TNTP sẽ tiếp tục phân tích các trường hợp còn lại về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa.

2. Thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Trường hợp 2: Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa được giao cho người vận chuyển đầu tiên. Để các bên chuyển rủi ro theo trường hợp này thì cần hai điều kiện sau, một là hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa và hai là bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định. Trường hợp không đáp ứng đủ hai điều kiện trên, việc chuyển rủi ro sẽ được xác định theo các trường hợp còn lại về thời điểm chuyển rủi ro.

Nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa thì thường bên bán hoặc bên mua sẽ phải ký kết thêm hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Dù bên nào ký hợp đồng vận chuyển và hàng hóa được vận chuyển bởi nhiều người thì rủi ro về mất mát và hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên. Để tránh việc tranh chấp với bên mua về thời điểm chuyển rủi ro khi bên mua cho rằng không biết về việc vận chuyển hàng hóa, thì bên bán cần thực hiện đầy đủ các trách nhiệm sau:

  • Trường hợp hàng hóa được giao cho người vận chuyển nhưng không được xác định rõ bằng ký mã hiệu trên hàng hóa, chứng từ vận chuyển hoặc cách thức khác thì bên bán phải thông báo cho bên mua về việc đã giao hàng cho người vận chuyển và phải xác định rõ tên và cách thức nhận biết hàng hoá được vận chuyển.
  • Trường hợp bên bán có nghĩa vụ thu xếp việc chuyên chở hàng hoá thì bên bán phải ký kết các hợp đồng cần thiết để việc chuyên chở được thực hiện tới đích bằng các phương tiện chuyên chở thích hợp với hoàn cảnh cụ thể và theo các điều kiện thông thường đối với phương thức chuyên chở đó.
  • Trường hợp bên bán không có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho hàng hoá trong quá trình vận chuyển, nếu bên mua có yêu cầu thì bên bán phải cung cấp cho bên mua những thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá và việc vận chuyển hàng hoá để tạo điều kiện cho bên mua mua bảo hiểm cho hàng hoá đó.

Trường hợp 3: Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển

Nếu hàng hóa đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hóa. Chứng từ sở hữu hàng hóa là các giấy tờ, tài liệu thể hiện việc bên bán chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua như các vận đơn, hóa đơn, phiếu xuất kho, giấy chứng nhận,…
  • Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hóa của bên mua. Trong trường hợp này, bên bán cần thỏa thuận trước với bên giao hàng về việc xác nhận bên mua đã nhận hàng hóa bằng các biên bản giao nhận hàng hóa có chữ ký của bên mua và bên giao hàng, video, hình ảnh việc nhận hàng.

Nếu không thuộc vào hai trường hợp trên thì bên phải chịu rủi ro là bên bán.

Trường hợp 4: Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hóa đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát và hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ khi giao kết hợp đồng.

“Hàng hóa đang trên đường vận chuyển” theo trường hợp này không phải là hàng hóa đã trở thành đối tượng trong hợp đồng và đang trong thời gian vận chuyển từ bên bán cho bên mua.

“Hàng hóa đang trên đường vận chuyển” được hiểu là tại thời điểm giao kết hợp đồng, hàng hóa đang được di chuyển từ nơi này đến nơi khác, không có vị trí cố định, không phải là đối tượng trong hợp đồng đã giao kết và đang thuộc quyền sở hữu của bên bán. Rủi ro được chuyển qua cho bên mua ngay sau khi các bên giao kết hợp đồng.

Có thể xét đến ví dụ sau để hiểu rõ hơn về trường hợp này, bên A (Hưng Yên, Việt Nam) ký kết hợp đồng mua bán nông sản với bên B (Trung Quốc), khi bên A vận chuyển nông sản đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) thì nhận được thông tin rằng cửa khẩu đã tạm thời dừng thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa để thực hiện truy vết và kiểm tra các trường hợp liên quan một số ca COVID-19. Do vậy, hai bên không thể tiến hành việc giao nhận hàng hóa và buộc phải chấm dứt hợp đồng. Trên đường vận chuyển hàng hóa về lại Hưng Yên, bên C (Hà Nội, Việt Nam) đã đồng ý mua lại hàng hóa và hai bên đã tiến hành giao kết hợp đồng. Như vậy, kể từ thời điểm bên A và bên C giao kết hợp đồng, rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng đối với hàng hóa được chuyển giao cho bên C.

Trường hợp 5: Chuyển rủi ro trong các trường hợp khác

Nếu không thuộc các trường hợp 1, 2, 3, 4 thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng, cụ thể bên mua đã không thực hiện việc nhận hàng theo như các bên đã thỏa thuận trước đó về thời gian, địa điểm nhận hàng.

Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hóa không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.

3. Những lưu ý về vấn đề “xác định rủi ro” khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa

  • Khi giao kết hợp đồng các bên cần có những dự liệu về các rủi ro có thể phát sinh, từ đó thỏa thuận thành các điều khoản trong hợp đồng về thời điểm các bên phải chịu rủi ro.
  • Đối với các hợp đồng có giá trị lớn, hàng hóa dễ có nguy cơ gặp rủi ro thì các bên cần thỏa thuận cụ thể về cách thức, phương tiện, địa điểm, thời gian vận chuyển hàng hóa và mua bảo hiểm cho hàng hoá trong quá trình vận chuyển.

Trên đây là bài viết “Thời điểm chuyển giao rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa (Phần 2)”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.