Hiện nay, nhu cầu vay tiền trở thành nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt thường ngày và trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Để hạn chế những rủi ro có thể phát sinh từ các giao dịch vay tiền, thế chấp tài sản được coi là một trong những công cụ pháp lý hữu hiệu mà các bên thường áp dụng. Do đó, khi áp dụng biện pháp thế chấp tài sản, các bên cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về biện pháp này. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày một số nội dung cơ bản về thế chấp tài sản.

1. Thế chấp tài sản là gì?

Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Thông thường, tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ, tuy nhiên các bên có thể thỏa thuận giao tài sản thế chấp cho người thứ ba giữ.

2. Tài sản thế chấp

Tài sản thế chấp là vật hoặc quyền được các chủ thể thỏa thuận lựa chọn để đảm bảo quyền của bên nhận thế chấp tài sản khi có sự vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm. Tài sản thế chấp bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản thế chấp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định như phải thuộc sở hữu của bên thế chấp, có thể xác định được, được phép chuyển giao trong giao dịch dân sự. Các bên cần lưu ý những nội dung sau:

• Trường hợp thế chấp toàn bộ hoặc một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

• Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

• Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.

3. Hiệu lực của thế chấp tài sản

Hiệu lực của thế chấp bao gồm hiệu lực ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ thế chấp và hiệu lực đối kháng với các chủ thể khác.

Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Như vậy, hợp đồng thế chấp tài sản có thể phát sinh hiệu lực ở một trong ba thời điểm: thời điểm theo luật định, thời điểm thỏa thuận và thời điểm giao kết. Thứ tự ưu tiên được xác định theo thứ tự giảm dần như sau: thời điểm theo luật định, thời điểm thỏa thuận và thời điểm giao kết.

Thời điểm theo luật định có thể hiểu là việc pháp luật có quy định về việc thế chấp tài sản phải đăng ký, công chứng, chứng thực,… Theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản, hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực (Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013).

Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Khi biện pháp thế chấp tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba sẽ đem đến cho bên nhận thế chấp có quyền truy đòi tài sản thế chấp trước sự chiếm hữu của bất kỳ ai.

4. Chấm dứt thế chấp tài sản

Thế chấp tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:

• Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt.

• Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

• Tài sản thế chấp đã được xử lý.

• Theo thỏa thuận của các bên.

Trên đây là bài viết “Thế chấp tài sản – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,