Mua bán hàng hóa là một hoạt động thương mại phổ biến nhằm chuyển giao hàng hóa giữa hai bên vì mục đích sinh lời. Trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng có tranh chấp phát sinh mà các bên không thể thương lượng được thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Khi đó, bên khởi kiện cần hiểu quy định pháp luật để nộp đơn khởi kiện đúng thẩm quyền giải quyết. Trong bài viết này, TNTP sẽ cung cấp cho bạn đọc kiến thức pháp lý về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai doanh nghiệp tại Tòa án nhân dân Việt Nam.

1. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?

Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại nhằm trao đổi hàng hóa và tiền giữa bên bán và bên mua. Trong đó, bên bán thực hiện việc giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua thực hiện thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thoả thuận. Khi bên bán và bên mua có nhu cầu bán và mua hàng hóa của nhau, hai bên sẽ cùng nhau thỏa thuận một hợp đồng để quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể cho mỗi bên.

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa và thường xảy ra khi một trong các bên không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của bên còn lại.

2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai doanh nghiệp tại Tòa án

Khi các bên trong Hợp đồng mua bán hàng hóa xảy ra mâu thuẫn, bất đồng và lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp, việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó sẽ được xác định như sau:

2.1. Tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Căn cứ Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, thương mại, trong đó có bao gồm các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Như vậy, khi hai doanh nghiệp ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa nhằm mục đích sinh lời thì tranh chấp phát sinh từ quan hệ này sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

2.2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại cấp sơ thẩm của Tòa án

a. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện

Tại cấp sơ thẩm, phần lớn Tòa án cấp huyện sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai doanh nghiệp, trừ các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh (Được trình bày ở phần dưới).

b. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh

Tại giai đoạn sơ thẩm, thông thường, các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh khi thuộc một trong hai trường hợp sau: i) Những tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; ii) Tòa án cấp tỉnh tự mình lấy tranh chấp lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

2.3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án theo lãnh thổ

Căn cứ Khoản 1 Điều 39 và Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án theo lãnh thổ sẽ được xác định như sau:

– Tòa án nơi đặt trụ sở của bị đơn;

– Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi đặt trụ sở của nguyên đơn;

– Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa trong các trường hợp sau:

+ Nếu không biết trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

+ Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh của doanh nghiệp thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi doanh nghiệp có trụ sở hoặc nơi có chi nhánh của doanh nghiệp giải quyết;

+ Nếu bị đơn không có trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi nguyên đơn đặt trụ sở để giải quyết;

+ Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi các bên tiến hành thực hiện hợp đồng giải quyết;

+ Nếu các bị đơn có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn có trụ sở giải quyết.

Như vậy, trong hầu hết các trường hợp, Tòa án nơi bị đơn đặt trụ sở sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, pháp luật dân sự nói chung và pháp luật thương mại nói riêng vẫn luôn ưu tiên sự thỏa thuận, nguyện vọng của các bên. Vì vậy, trong trường hợp các đương sự không muốn Tòa án nơi bị đơn có trụ sở giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn Tòa án nơi nguyên đơn đặt trụ sở để giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, nguyên đơn cũng có quyền lựa chọn Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp trong một số trường hợp nêu trên.

Trên đây là những nội dung và chia sẻ pháp lý của TNTP về “Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa của Tòa án”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với bạn.

Trân trọng,