Trọng tài đã và đang trở thành một trong những phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến nhất trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, vấn đề về chi phí khi tham gia tố tụng trọng tài là rào cản lớn ngăn cản các bên lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này. Trong bài viết này, TNTP sẽ giới thiệu tới bạn đọc hình thức tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài, một phương thức ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

1. Khái niệm và đặc điểm về Tài trợ của Bên thứ ba

Tài trợ của bên thứ ba là một khái niệm chỉ hoạt động một bên thứ ba không phải là các bên tranh chấp, không có mối liên hệ pháp lý giữa các bên và không liên quan đến vụ tranh chấp, thường là các tổ chức tài chính, hỗ trợ các khoản chi phí pháp lý của một bên trong tranh chấp trọng tài như phí luật sư, chuyên gia, cố vấn và bất cứ chi phí nào liên quan hoặc cần thiết trong quá trình giải quyết tranh chấp, thường dưới dạng một thỏa thuận. Bên tài trợ sẽ được một tỷ lệ phần trăm hoặc một khoản tiền cố định nếu phán quyết trọng tài có quyết định có lợi về mặt kinh tế cho bên được tài trợ, hoặc đạt được thỏa thuận hòa giải có lợi cho bên được tài trợ. Ngược lại, trong trường hợp bên được tài trợ thua kiện, tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên mà bên tài trợ phải chi trả các khoản tiền là các nghĩa vụ kinh tế mà bên được tài trợ phải chi trả theo phán quyết trọng tài như nghĩa vụ đối với bên thắng kiện, các chi phí luật sư, chi phí khác…

Tài trợ của Bên thứ ba có những đặc điểm điển hình như sau:

• Về bên sử dụng dịch vụ: Bên sử dụng dịch vụ thường là các nguyên đơn trong vụ tranh chấp. Các bị đơn cũng có thể sử dụng dịch vụ tài trợ trong một số tình huống mà bị đơn gặp khó khăn về tài chính hoặc khi bị đơn nộp đơn phản tố.

• Về các tổ chức tài trợ: Công ty bảo hiểm, nhà tài trợ tổ chức hoặc các tổ chức tài chính khác như tập đoàn, ngân hàng, quỹ phòng hộ là những bên tài trợ phổ biến nhất. Họ sẽ có vai trò như một người cung cấp khả năng tài chính, không được can thiệp vào quá trình giải quyết tranh chấp của bên được tài trợ.

• Các chi phí được tài trợ bao gồm các khoản chi phí pháp lý của một bên như phí luật sư, chuyên gia, cố vấn và bất cứ chi phí nào liên quan hoặc cần thiết trong quá trình giải quyết vụ việc.

• Tài trợ của bên thứ ba thường phổ biến trong những tranh chấp thương mại có giá trị lớn, đặc biệt là những tranh chấp đầu tư giữa quốc gia và nhà đầu tư được giải quyết thông qua cơ chế của Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (viết tắt là ICSID) hoặc theo cơ chế trọng tài vụ việc theo Hiệp định bảo hộ đầu tư.

2. Vai trò của tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài

Tài trợ của bên thứ ba có thể là một phương thức hữu hiệu cho các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp với những tác dụng mà nó mang lại, cụ thể:

• Sự tài trợ của bên thứ ba cho phép bên có tiềm lực tài chính yếu hơn có cơ hội bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi tham gia tố tụng trọng tài. Bên yếu thế về mặt tài chính có thể bị lấn át bởi bên có tiềm lực tài chính mạnh hơn và trong một số trường hợp, họ buộc phải chấp nhận một yêu cầu bồi thường từ bên còn lại với mức bồi thường thấp hơn thiệt hại thực tế do chi phí của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vượt quá khả năng tài chính của bên yếu thế. Thông qua sự hỗ trợ về tài chính của bên thứ ba, bên được tài trợ hoàn toàn có thể xóa bỏ sự lấn áp của bên còn lại, dẫn đến quá trình giải quyết được diễn ra một cách khách quan hơn.

• Việc tài trợ này cũng giúp các bên có thể ổn định về mặt tài chính khi tham gia tố tụng trọng tài, tránh tình huống phải phá sản chỉ vì theo đuổi vụ kiện. Hơn nữa, do trong thỏa thuận tài trợ, trường hợp Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết không có lợi về mặt kinh tế cho bên được tài trợ, tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên, bên tài trợ có trách nhiệm chi trả các chi phí, nghĩa vụ kinh tế trong phán quyết, từ đó làm giảm gánh nặng tài chính của bên được tài trợ.

• Tài trợ của bên thứ ba cũng có thể được coi là một phương thức để đánh giá tính khả thi trước khi tiến hành các chiến lược tiếp theo. Khi nhận được yêu cầu tài trợ, bên thứ ba phải tiến hành đánh giá, phân tích vụ việc, khả năng thắng kiện và khả năng thu hồi được các khoản tiền trong trường hợp phán quyết có lợi cho bên được tài trợ. Hơn nữa, do việc đánh giá vụ việc trên diễn ra từ một bên thứ ba khách quan nên đây cũng là một nguồn thông tin có giá trị cho các bên trước khi quyết định có tiếp tục tham gia giải quyết, sử dụng tài trợ hoặc không tiếp tục việc khởi kiện.

3. Những nội dung cần lưu ý của phương thức tài trợ của bên thứ ba

Ngoài những điểm tích cực mà tài trợ của bên thứ ba mang lại trong quá trình tố tụng trọng tài, phương thức này cũng tiềm ẩn một số rủi ro như sau:

• Đối với những yêu cầu về khía cạnh kinh tế trong phán quyết trọng tài, các nhà tài trợ sẽ được hưởng một phần đáng kể số tiền bên được tài trợ được nhận. Tuy nhiên, những nhà tài trợ luôn có những phương án để phòng ngừa rủi ro với khoản đầu tư của họ trong những trường hợp phán quyết không có lợi cho bên được tài trợ. Do vậy, nếu phán quyết trọng tài không có lợi về mặt kinh tế cho bên được tài trợ, một số thỏa thuận nhất định có thể áp đặt thêm những khoản tiền để bồi hoàn cho bên tài trợ, làm gia tăng nghĩa vụ tài chính của bên được tài trợ.

• Mặc dù các nhà tài trợ không được can thiệp vào quá trình giải quyết tranh chấp nhưng họ hoàn toàn có thể yêu cầu bên được tài trợ yêu cầu thỏa thuận bồi thường có giá trị lớn hơn vì họ quan tâm đến lợi nhuận của mình nhiều hơn là kết quả của vụ việc. Cách tiếp cận như vậy đôi khi có thể mâu thuẫn với lợi ích của bên được tài trợ, dẫn đến việc các bên trong vụ việc không thể giải quyết được tranh chấp qua con đường thương lượng, hòa giải.

Có thể thấy, tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài là một mô hình tài trợ có nhiều cơ hội để phát triển, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều tranh chấp đã và đang được giải quyết thông qua cơ chế trọng tài. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam khi không có quy định cụ thể điều chỉnh vấn đề này. Khi sử dụng phương thức này, ngoài những lợi ích mà phương thức này đem lại, các bên cũng nên cân nhắc đến các yếu tố khác cũng như những rủi ro có thể xảy ra.

Trên đây là bài viết “Tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có nội dung cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ.

Trân trọng.