Trong lĩnh vực dân sự, mọi giao dịch nói chung và hợp đồng nói riêng đều không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và một trong số đó là việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của hợp đồng trên cơ sở tự nguyện. Các trường hợp giao kết hợp đồng trái với nguyên tắc tự nguyện có thể bị tuyên bố vô hiệu. Qua bài viết này, TNTP sẽ gửi đến độc giả các kiến thức pháp lý về Sự tự nguyện trong giao kết hợp đồng và những trường hợp dẫn đến hợp đồng vô hiệu.
1. Sự tự nguyện trong giao kết hợp đồng
Tự nguyện được hiểu là được làm những gì bản thân mong muốn, không bị tác động, ép buộc bởi các yếu tố, tác động từ bên ngoài. Nói cách khác, sự tự nguyện chỉ tồn tại khi có sự tổng hòa của ý chí thực sự bên trong và sự biểu hiện bằng hành động ra bên ngoài của ý chí đó. Trong đó, ý chí bên trong là suy nghĩ, khao khát và là mục đích thực sự mà các bên muốn đạt được khi ký kết hợp đồng. Sự biểu hiện ra bên ngoài của ý chí là việc ý chí, mong muốn ấy được hiện thực hóa qua các hành động, hành vi cụ thể.
Vì vậy, một hợp đồng được coi là xác lập trên cơ sở tự nguyện là khi đảm bảo có sự thống nhất giữa mong muốn thực sự và hành động trên thực tế. Trong trường hợp việc xác lập hợp đồng giữa các bên không đảm bảo sự tự do ý chí và bày tỏ ý chí hoặc phá vỡ tính thống nhất giữa hai yếu tố này thì không được coi là có sự tự nguyện. Khi ấy, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó là vô hiệu.
2. Các trường hợp hợp đồng vô hiệu do vi phạm sự tự nguyện
2.1 Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối
Căn cứ Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015, lừa dối trong giao kết hợp đồng xảy ra khi:
– Một bên hoặc người thứ ba cố tình đưa thông tin sai lệch về chủ thể, tính chất, đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng và người nghe không biết sự sai lệch đó; và
– Người nghe tin vào thông tin không chính xác nên quyết định giao kết hợp đồng.
Như vậy, đối với trường hợp này, lừa dối phải là yếu tố quyết định để một bên tham gia hợp đồng và nếu không có việc một bên hoặc người thứ ba cố tình đưa ra thông tin sai lệch khiến một bên hiểu sai thì hợp đồng có thể không được xác lập trên thực tế. Hành vi lừa dối người khác để bên đó đạt được mục đích riêng khi xác lập hợp đồng là trái với nguyên tắc tự nguyện giao kết hợp đồng.
Khi một bên tham gia hợp đồng do bị lừa dối thì người bị lừa dối có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm người bị lừa dối biết hoặc phải biết hợp đồng được xác lập do bị lừa dối.
2.2 Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn
Căn cứ Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015, một hợp đồng được xác định là có sự nhầm lẫn khi đảm bảo các yếu tố sau:
– Tại thời điểm xác lập hợp đồng, một bên hoặc các bên có nhận định không đúng, không đầy đủ về các yếu tố liên quan đến hợp đồng; và
– Sự nhầm lẫn làm cho một hoặc các bên bị thiệt hại và/hoặc không đạt được mục đích khi tham gia hợp đồng.
Trong khi bên bị lừa dối nhận định sai lệch về các nội dung trong hợp đồng là do có sự tác động từ một bên hoặc người thứ ba thì sự sai lệch trong nhầm lẫn đến từ nhận thức chủ quan của chính chủ thể bị nhầm lẫn. Có thể nói việc giao kết hợp đồng do nhầm lẫn đã không phản ánh chính xác mong muốn và ý chí thực sự của người bị nhầm lẫn trên thực tế.
Trong trường hợp việc xác lập hợp đồng do nhầm lẫn gây thiệt hại cho một hoặc các bên thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm người bị nhầm lẫn biết hoặc phải biết hợp đồng xác lập do có sự nhầm lẫn, trừ trường hợp các bên đã khắc phục được sự nhầm lẫn và mục đích của hợp đồng đã đạt được.
2.3 Hợp đồng vô hiệu do bị đe dọa, cưỡng ép
Căn cứ Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015, việc đe dọa, cưỡng ép trong giao kết hợp đồng được hiểu như sau:
– Một bên hoặc người thứ ba có hành vi đe dọa, cưỡng ép bằng cách tác động vào thể chất hoặc gây áp lực tâm lý đối với người bị đe dọa, cưỡng ép;
– Sự đe dọa, cưỡng ép là yếu tố quyết định để bên bị đe dọa, cưỡng ép buộc phải giao kết hợp đồng để tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân, bạn bè,… của mình.
Như vậy, khi một bên thực hiện hành vi đe dọa, cưỡng ép để bên kia giao kết hợp đồng theo mục đích của họ thì bên bị đe dọa, cưỡng ép đã buộc phải tham gia hợp đồng mà không được lựa chọn làm theo đúng mong muốn, ý chí của mình. Do đó, Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận đây là một trong những trường hợp dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng. Cụ thể, bên tham gia giao kết hợp đồng do bị đe dọa, cưỡng ép có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép.
2.4 Hợp đồng vô hiệu do giả tạo
Căn cứ Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng giả tạo xảy ra khi hai bên đồng thời xác lập hai hợp đồng như sau:
– Một hợp đồng thể hiện đúng với ý chí, mong muốn đích thực của họ nhưng bị che dấu, không được công khai vì nhiều lý do như ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của bên thứ ba hoặc vi phạm pháp luật,…
– Một hợp đồng được các bên xác lập và công khai nhằm che dấu hợp đồng còn lại, được gọi là hợp đồng giả tạo.
Đây cũng là điểm đặc biệt của hợp đồng giả tạo bởi có sự thống nhất về ý chí của cả hai bên chủ thể, tuy nhiên, ý chí được ghi nhận trong hợp đồng này không phải mong muốn, nguyện vọng thực sự của họ. Hay nói cách khác, đây là hợp đồng mà các bên “tự nguyện” tham gia nhưng các bên đều không có ý định triển khai thực hiện Hợp đồng này trên thực tế.
Vì vậy, hậu quả pháp lý của hợp đồng giả tạo cũng đặc biệt hơn khi hợp đồng này luôn vô hiệu trong mọi trường hợp; còn hợp đồng bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan.
Trên đây là bài viết “Sự tự nguyện trong giao kết hợp đồng và những trường hợp dẫn đến hợp đồng vô hiệu” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.
Trân trọng,