Điều 292 Luật Thương mại năm 2005 quy định các loại chế tài trong thương mại. Trong đó, chế tài mang tính vật chất nhằm khôi phục và bù đắp thiệt hại cho bên bị vi phạm bao gồm phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại. Vậy phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại khác nhau ở những điểm nào, trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung làm rõ những điểm khác nhau giữa hai chế tài này để làm cơ sở cho việc áp dụng trên thực tế.

1. Khái niệm

● Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về phạt vi phạm, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm (theo Khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 300 Luật Thương mại năm 2005).

● Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm (Khoản 1 Điều 302 Luật Thương mại năm 2005).

2. Mục đích

● Phạt vi phạm là chế tài được xây dựng nhằm hai mục đích:

– Răn đe, phòng ngừa vi phạm và giáo dục ý thức tuân thủ các cam kết đã ghi nhận trong hợp đồng;

– Trừng phạt bên có hành vi vi phạm hợp đồng.

● Bồi thường thiệt hại được quy định để bù đắp về vật chất cho bên bị vi phạm và bị thiệt hại.

3. Căn cứ phát sinh

● Chế tài phạt vi phạm chỉ có thể được áp dụng khi có hành vi vi phạm hợp đồng và hợp đồng có thỏa thuận về phạt vi phạm. Nếu hợp đồng không thỏa thuận về phạt vi phạm thì bên bị vi phạm sẽ không được áp dụng chế tài này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận cụ thể về mức phạt đối với các hành vi vi phạm có khả năng cao dẫn đến tranh chấp khi xảy ra hành vi vi phạm.

● Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

– Có hành vi vi phạm hợp đồng;
– Có thiệt hại thực tế;
– Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Như vậy, khác với chế tài phạt vi phạm buộc các bên phải thỏa thuận trong hợp đồng thì mới được áp dụng, chế tài buộc bồi thường thiệt hại được áp dụng không phụ thuộc vào việc có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng hay không mà phụ thuộc vào ba yếu tố đã nêu ở trên. Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Mặt khác, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý trong khả năng của mình để hạn chế tổn thất do việc vi phạm hợp đồng gây ra. Trong trường hợp có thể áp dụng biện pháp để hạn chế tổn thất mà bên bị vi phạm không áp dụng thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm tiền bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.

4. Mức phạt vi phạm và mức bồi thường thiệt hại

● Các bên có thể thỏa thuận mức phạt, tuy nhiên nếu pháp luật có quy định mức phạt tối đa thì các bên không được thỏa thuận quá mức giới hạn đó.

Ví dụ: Luật Xây dựng quy định đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Luật Thương mại quy định mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trường hợp ngoại lệ duy nhất là mức phạt đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình không được vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định (Điều 266 Luật Thương mại năm 2005).

● Mức bồi thường bao gồm giá trị tổn thất thực tế mà bên bị vi phạm chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm có thể nhận được nếu bên kia thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình. Do mang tính bù đắp nên số tiền yêu cầu bồi thường không thể vượt quá số tiền thiệt hại thực tế.

5. Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại

● Theo Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

● Theo Điều 307 Luật Thương mại năm 2005, trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Trên đây là bài viết “Sự khác nhau giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,